Nghiên cứu giảm phí, lệ phí do nhiên liệu tăng giá

GD&TĐ - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị các Cục: Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải nhận được công văn của Bộ Tài chính về việc giảm thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bộ “kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý” (Khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí).

Do đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu công văn của Bộ Tài chính, trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng.

Các cục, đơn vị khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách Nhà nước. Từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản phí, lệ phí và thời gian giảm thu phí, lệ phí, báo cáo Bộ để gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo thẩm quyền.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá tác động và đề xuất mức giảm phí, lệ phí cụ thể

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn về việc xem xét, quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng đất cảng nước, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản của Bộ Tài chính nêu: Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế bảo vệ môi trường để góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ vận tải sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do giá nhiên liệu tăng, Bộ Tài chính khẳng định: Pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng, dầu. Vì vậy, các khoản phí, lệ phí hiện hành không phải là yếu tố tác động làm giá nhiên liệu trong nước tăng.

Hiện tại, các phí, lệ phí như: Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa đều đang thực hiện theo các quy định của pháp luật đã ban hành.

Trong đó, mức thu phí sử dụng hạ tầng đường sắt quy định giảm 50% mức phí (giảm mức thu từ 8% xuống 4% doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt) kể từ ngày 8/2/2021 đến hết tháng 6/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Còn lệ phí ra, vào cảng biển từ 5-50 USD/lượt theo dung tích tàu. Đối với mức lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa từ 5.000-50.000 đồng/chuyến theo trọng tải phương tiện chở hàng/tàu lai.

Các khoản phí, lệ phí này chiếm tỷ trọng không lớn trong chi phí vận tải. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính không nhận được phản ánh về những vướng mắc liên quan tới mức thu của các khoản phí, lệ phí này.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đánh giá tác động của việc giảm phí và lệ phí với các đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách Nhà nước, từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản, gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo thẩm quyền và đúng trình tự quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.