Nghiên cứu chứng minh: Giáo viên không quyết định điểm số của người học

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, giáo viên hầu như có rất ít sự liên quan đến việc chênh lệch kết quả học tập của trẻ nhỏ với các bạn đồng trang lứa. Kết quả này được cho là hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm phổ biến rằng, giáo viên là người đóng vai trò quan trọng nhất khi nói đến thành tích học tập của HS.

Kết quả học tập của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoài lớp học
Kết quả học tập của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoài lớp học

Nghiên cứu trên các cặp song sinh

Trước đó, các nhà khoa học khẳng định, chất lượng giáo viên - bao gồm trình độ chuyên môn và khả năng tổ chức lớp học - có thể chiếm tới 30% lý do khiến một số HS đạt điểm cao hơn những bạn đồng trang lứa khác.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới thực hiện dựa trên sự khảo sát đối với 4.533 cặp song sinh và được công bố trên Tạp chí Tâm lý Giáo dục cho thấy, các yếu tố trong lớp học - bao gồm chất lượng giáo viên và quy mô lớp học - chỉ chiếm 2-3% sự khác biệt về điểm số của người học trong cùng một lớp.

Các yếu tố trong lớp học khác với các yếu tố trường học, mặc dù chúng chồng chéo lên nhau. Các yếu tố trường học sẽ bao gồm kinh tế - xã hội tổng thể của trường và các chính sách hành chính rộng hơn. Các chuyên gia cho biết, do những cặp sinh đôi tham gia khảo sát đều học cùng trường, nghiên cứu không thể kiểm tra sự khác biệt của yếu tố trường học tác động lên trẻ.

Hầu hết trẻ em đều học đọc thông qua hướng dẫn chính thức kể từ khi còn học mẫu giáo hoặc lớp Một. Tuy nhiên, sự khác nhau về mức độ và cách trẻ tiếp thu nhanh hơn hay không sẽ được bộc lộ trong những năm đầu tiên và sau đó. Tương tự, sự khác biệt về khả năng học Toán của trẻ cũng xuất hiện sớm ở trường và tiếp tục suốt những năm sau.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, gen là nguyên nhân tạo ra phần lớn sự khác biệt giữa mỗi cá nhân - khoảng 40 - 75% về sự phát triển trong khả năng đọc viết và toán học giữa các cặp song sinh ở trường.

Khoảng 40% sự biến động sau đó được lý giải bởi các yếu tố môi trường. Điều này bao gồm cả khi các cặp song sinh sống trong cùng môi trường, chẳng hạn như giá trị GD của cha mẹ và địa vị xã hội. Ngoài ra, một số yếu tố sẽ có ảnh hưởng khác đối với từng đứa trẻ trong một cặp song sinh.

Đây được gọi là môi trường riêng của trẻ, chẳng hạn khi chúng không học cùng một lớp. Dựa trên những điều này, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem môi trường lớp học quan trọng như thế nào đối với thành tích của HS.

Lý giải về việc nghiên cứu trên cặp song sinh, chuyên gia cho biết, những người này có gen giống hệt nhau hoặc gần giống nhau. Bên cạnh đó, cả hai loại sinh đôi này đều có chung một phần môi trường sống như bố mẹ, nơi ở và thường học cùng trường.

Tuy nhiên, cũng có một số môi trường mà các cặp song sinh không có chung với nhau như: Lớp học và bạn bè. Do đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ ảnh hưởng của lớp học đối với kỹ năng đọc viết của cặp song sinh từ mẫu giáo đến lớp 2, và các kỹ năng toán học ở các lớp 3, 5, 7 và 9.

Để làm được điều này, chuyên gia đã so sánh sự giống nhau của điểm kiểm tra NAPLAN (Chương trình đánh giá quốc gia – môn Toán và Ngôn ngữ) ở các cặp song sinh - cả những trẻ học cùng và khác lớp.

Kết quả cho thấy, cặp song sinh học ở các lớp học khác nhau có thành tích gần giống như những người được học cùng nhau. Điều này không chỉ chính xác đối với tất cả các bài kiểm tra NAPLAN: Toán học và đọc - viết, mà còn đúng với trẻ ở lớp 7 - 9, mẫu giáo - lớp 5.

Ngoài 2- 3% ảnh hưởng từ lớp học, nghiên cứu đã thiết lập một tỷ lệ đáng kể về sự biến đổi giữa các HS - trung bình khoảng 60% - có sự khác biệt về gen. Trong số hơn 30% người học còn lại, các yếu tố môi trường khác như ảnh hưởng của trường học hoặc các yếu tố khác chưa được xác định, đóng vai trò lớn hơn so với môi trường lớp học.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng đối với HS
Giáo viên đóng vai trò quan trọng đối với HS 

Trách nhiệm không hoàn toàn ở giáo viên

Lý do cho sự khác biệt của các cá nhân trong sự phát triển khả năng đọc và toán học thường được quy cho các yếu tố môi trường. Tại Mỹ, Đạo luật “Mỗi HS thành công” cho rằng, sự khác biệt về chất lượng giáo viên là lý do chính cho sự khác biệt trong thành công của thế hệ HS. Chính vì thế, giáo viên là những người phải chịu trách nhiệm khi người học của mình tụt lại phía sau so với các bạn cùng lứa.

Hầu hết bất kỳ ai cũng đều nhớ về một giáo viên có ảnh hưởng sâu sắc đến bản thân mình, dù tác động đó là tốt hay xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là, đó chỉ đơn giản là những trải nghiệm cá nhân - những trải nghiệm có thể chỉ là giữa người đó và giáo viên.

Các chuyên gia khẳng định, dữ liệu của họ không thể phát hiện những trải nghiệm cá nhân này. Thay vào đó, chúng chỉ có thể phát hiện những ảnh hưởng trung bình của lớp học.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của giáo viên đối với người học. Rõ ràng là, tất cả trẻ em đều thu thêm được nhiều kiến thức hơn sau một tuần, một tháng, một năm hay thậm chí là chỉ một ngày… so với trước đó.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia muốn nhấn mạnh là, giáo viên đang thực hiện một công việc đồng đều: GD người học trong các lĩnh vực cốt lõi là đọc viết và toán học. Đối với các yếu tố trong lớp, chẳng hạn như “chất lượng giáo viên” sẽ không phải là câu trả lời để lý giải về sự chênh lệch trong điểm số bài kiểm tra của người học.

Thay vào đó, kết quả nghiên cứu này đã chứng minh rằng, sự khác biệt của mỗi cá nhân trong cách mỗi người học phát triển có thể phụ thuộc nhiều hơn vào ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài lớp học.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ