Nghịch lý nhà tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội

GD&TĐ - Trên địa bàn TP Hà Nội không ít dự án nhà tái định cư được xây dựng từ nhiều năm nay ở trong tình trạng 'vườn không, nhà trống'.

Dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).
Dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

Mặc dù nhu cầu về nhà ở của người dân là rất lớn nhưng trên địa bàn TP Hà Nội không ít dự án nhà tái định cư được xây dựng từ nhiều năm nay lại ở trong tình trạng “vườn không, nhà trống”.

“Chết yểu” trên “đất vàng”

Một nghịch lý đang diễn ra là mặc dù TP Hà Nội vẫn đang khẩn trương xây dựng các dự án mới nhưng không ít nhà cũng dành cho mục đích tái định cư đã xây dựng xong trước đây lại bỏ trống.

Quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng nhà chung cư tái định cư bị bỏ hoang nhiều, nhất là ở các phường Trần Phú và Hoàng Văn Thụ.

Nằm ngay vị trí “đất vàng”, sát mặt đường lớn Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ và có không gian thoáng đãng, thuận tiện giao thông, song kỳ lạ thay 3 tòa chung cư thuộc Dự án tái định cư Đền Lừ III đã xây dựng hoàn thiện nhưng vẫn bị bỏ hoang, không có người ở.

Các tòa chung cư này là dự án nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III (quận Hoàng Mai). Dự án này đã được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2017. Vì không có người ở trong một thời gian dài nên các hạng mục thuộc dự án đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Quanh khu vực tòa nhà cỏ dại mọc um tùm, nhiều góc còn là bãi tập kết rác, hàng hóa.

Cũng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, Dự án Khu tái định cư Trần Phú được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 với tổng kinh phí 761 tỷ đồng, gồm 4 tòa chung cư cao tầng nhằm mục đích phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng).

Đến nay, có 2 tòa chung cư được xây dựng xong nhưng hàng trăm căn hộ vẫn chưa có người ở. Khuôn viên xung quanh khu tái định cư hoang hóa nhiều năm, cỏ dại mọc khắp nơi. Một số khu vực, vốn được quy hoạch làm khuôn viên, vườn hoa, tiểu cảnh hiện được trưng dụng để chăn thả gia cầm.

Cùng với hai dự án trên, dự án tại ngõ 156 đường Tam Trinh (phường Yên Sở) cũng bị hư hỏng nhiều hạng mục, cảnh quan nhếch nhác.

Quận Long Biên cũng có dự án “xây nhà cho gió ở”. Dự án này trong Khu đô thị Sài Đồng, gồm 3 tòa nhà 6 tầng có tên N3 - N4 - N5 với 150 căn hộ. Dự án được khởi công từ năm 2001 và đến năm 2006 hoàn thành thế nhưng từ đó đến nay, 3 tòa nhà trên vẫn bị bỏ hoang.

Đây là dự án do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Handico3) làm chủ đầu tư dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng.

Dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) mặc dù nằm tại vị trí đắc địa nhưng nhiều năm qua cũng ở trong tình trạng hoang hóa, xuống cấp. Đây là dự án bố trí cho hộ dân thuộc diện giải phóng, thu hồi đất phục vụ thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.

Dự án nhà tái định cư nằm tại ngõ 156 đường Tam Trinh (phường Yên Sở, Hoàng Mai).

Dự án nhà tái định cư nằm tại ngõ 156 đường Tam Trinh (phường Yên Sở, Hoàng Mai).

Đi tìm lời giải

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, các căn hộ tái định cư chưa có người vào ở là do các hộ dân khiếu nại. Có người dân được bố trí nhà ở nhưng trả lại đề nghị hỗ trợ tiền, hoặc đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng nên UBND TP Hà Nội chưa ra quyết định bán nhà...

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng thực trạng nhà tái định cư chất lượng rất kém, nhanh xuống cấp nên nhiều khu tái định cư xây dựng xong người dân không muốn vào ở, đưa vào làm thương mại cũng không đạt chất lượng. Và để tránh lãng phí, Hà Nội nên tính đến phương án cho thuê.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, nhà tái định cư ở Hà Nội tồn tại rất nhiều bất cập, dù chú trọng đến xây dựng nhưng lại không hấp dẫn được người dân đến ở. Về chủ trương đầu tư xây dựng nhà tái định cư đang rất lúng túng giữa khai thác sử dụng đất, lấy đất ở trong quỹ 20% khu đô thị hay là tạo ra một khu riêng.

Ông Nghiêm cũng cho rằng, muốn giải quyết vấn đề, khi xây dựng nhà tái định cư cần xem xét đến điều kiện tính đặc thù với từng nơi người dân có nhu cầu tái định cư. Đối tượng tái định cư rất rộng, có người ở nội đô, người thu nhập thấp, có người ở tập thể... Người dân ở trung tâm nội đô lại đưa ra ngoại thành để tái định cư họ sẽ không đồng ý, tất yếu dẫn đến việc nhà tái định cư bị bỏ hoang.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Nghiêm, tái định cư không chỉ là nơi ở, còn phải giải quyết cả sinh kế, việc làm thậm chí là hỗ trợ về vật chất để người dân tái định cư sớm ổn định cuộc sống. Tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ họ mới ra đi được.

“Hiện nay, có đề xuất bán rẻ hoặc đập đi xây lại các dự án nhà tái định cư. Điều này chứng tỏ việc bố trí chưa hợp lý hoặc lượng công trình chưa tốt. Mặc dù, Hà Nội đang có nhiều khu tái định cư bỏ hoang nhưng đề xuất đập bỏ là không hợp lý trừ khi kiểm tra chất lượng quá kém.

Với những căn hộ dôi dư, có thể cho thuê ngắn hạn, tạo nguồn thu, tránh lãng phí hoặc có chính sách bán đứt cho những người có nhu cầu. Thực tế hiện nay rất nhiều người dân có nhu cầu nhà ở trong khi nhà lại bỏ hoang, đó là nghịch lý”, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ