Chi hàng chục tỷ bảo dưỡng căn hộ không người ở
Báo cáo tại buổi giám sát của HĐND mới đây, đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư trống. Trong đó, có gần 4.800 căn hộ đang được quản lý để chờ bán đấu giá, hơn 2.000 căn hộ khác đang chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai.
Riêng tại các dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện còn tới hơn 5.300 căn hộ tái định cư bỏ trống, thuộc các lô từ R1 đến R7 trong khu tái định cư Bình Khánh với diện tích hơn 38ha.
Tại khu tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cũng còn gần 1.000 căn hộ tái định cư để trống; một chung cư ở Quận 12 còn trống 320 căn; chung cư Tân Mỹ (Quận 7) còn trống 220 căn; tại quận Bình Thạnh còn trống 470 căn hộ tái định cư chưa bàn giao thực tế.
Do số lượng căn hộ tái định cư đang bỏ trống còn quá nhiều, nên chi phí cho việc quản lý, bảo trì rất tốn kém. Năm 2020, TPHCM ghi vốn chi khoảng 71 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư để trống này.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TP đã có chủ trương bán đấu giá 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm và gần 1.000 căn tại Vĩnh Lộc (Bình Chánh). Tuy nhiên, việc rao bán đấu giá 2 lần vừa qua không thành công vì chưa có người mua. Vì vậy sắp tới, TPHCM sẽ nghiên cứu hướng mới để tháo gỡ. “Có lẽ do số lượng căn hộ quá lớn. Vì vậy, UBND TPHCM có chủ trương sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ trong lần bán đấu giá sắp tới” - ông Khiết cho biết.
Chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư Bình Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị này. Dự án bao gồm khu 30,2ha Bình Khánh 1 có 4.216 căn hộ. Khu 38,4ha Bình Khánh 2 có 6.220 căn hộ. Khu 17,3ha An Phú – Bình Khánh có 1.844 căn hộ. Tuy nhiên, hiện số căn hộ tại đây đang bỏ trống lên tới hơn 5.300 căn.
Để tháo gỡ sự lãng phí này, năm 2017, TPHCM đã tổ chức đấu giá cho 3.790 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm với mức giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia. Trong 3.790 căn hộ đem đấu giá có 2.200 căn do Công ty Thuận Việt xây dựng và 1.590 căn do Công ty Đức Khải xây dựng.
Năm 2018, TPHCM tiếp tục đấu giá lần thứ hai và mức giá khởi điểm là 9.100 tỷ đồng và vẫn không có doanh nghiệp nào tham gia. Dự kiến trong năm 2020 TPHCM sẽ tổ chức đấu giá lần thứ ba với mức giá khởi điểm là 9.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, mức giá mà TPHCM đưa đấu giá sẽ rất khó có doanh nghiệp nào tiếp cận vì không sinh lời nhiều. Mặt khác, việc đấu giá một cụm căn hộ như vậy quá lớn, rồi yêu cầu ký quỹ 20% khi tham gia đấu giá (số tiền rất lớn) khiến doanh nghiệp không hào hứng.
“Giá bán đưa ra gần 10.000 tỷ đồng cho 3.790 căn hộ, tức bình quân khoảng hơn 2,5 tỷ đồng/căn là mức giá không quá hấp dẫn với doanh nghiệp khi giá căn hộ thương mại quanh khu vực Quận 2 chỉ khoảng 60 - 70 triệu/m2. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp quan ngại chính là chi phí phải bỏ ra để sửa chữa lại sẽ không hề nhỏ khi phần lớn các căn nhà tái định cư tại đây đã xây 4 - 5 năm và xuống cấp” - ông Nguyễn Thái Hưng - Giám đốc Công ty Kinh doanh và Phát triển bất động sản Hưng Thái Land cho biết.
Vì sao dân không chịu ở?
Được biết, năm 2004 TPHCM ban hành chủ trương xây dựng 30.000 căn nhà tái định cư trong bối cảnh có hàng nghìn hộ dân phải tạm cư nhiều năm sau khi bị giải tỏa nhà, đất. Trong đó, riêng Khu đô thị Thủ Thiêm là 12.500 căn. Thời điểm đó, các quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng theo xu hướng bồi thường giá thấp và bán nhà tái định cư giá thấp. Gần như tất cả người dân bị di dời trong các dự án đều đăng ký nhận nhà tái định cư do có lợi hơn nhận tiền bồi thường.
Đến những năm 2010 và nhất là những năm gần đây, chủ trương về bồi thường đất ngang giá thị trường được thực hiện, Nhà nước bán nhà tái định cư cũng ngang giá thị trường nên người dân có xu hướng chọn nhận tiền bồi thường hơn chọn nhà tái định cư.
Một nguyên nhân nữa khiến người dân không chịu vào ở tại các khu tái định cư là do các khu này chưa kết nối thật sự tốt và thuận tiện mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Người được tái định cư vào ở đối mặt nhiều bất tiện khi đường, trường, trạm y tế, chợ… chưa ổn do cụm dân cư chưa hình thành.
Ông Nguyễn Bá Phương - một cư dân thuộc diện tái định cư tại phường Bình Khánh cho biết đã đến khảo sát trực tiếp nơi gia đình được sắp xếp. Mọi thứ còn quá hoang vắng, sinh kế của gia đình ông là buôn bán (bán hủ tiếu, cafe) gần như không thể, nên ông đã chọn hướng nhận tiền.
Để giải quyết số căn hộ tái định cư đang để hoang này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, TP nên chia các căn hộ đấu giá thành bốn gói khác nhau để bán đấu giá. Trong đó, có ba gói dành cho doanh nghiệp với khoảng 1.000 căn hộ mỗi gói; còn lại 790 căn thì bán đấu giá lẻ cho người dân mua trực tiếp.
“Khi chia nhỏ thành các gói như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận hơn vì phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Mặt khác, khi các doanh nghiệp tham gia và thầu được số căn hộ TPHCM phù hợp với năng lực tài chính của mình thì việc phát triển khu dân cư, hình thành cộng đồng kinh tế tại khu vực sẽ nhanh hơn thay vì rải rác bố trí, đưa dân vào ở theo tiến độ bán nguyên gói 3.790 căn cho một đơn vị. Mặt khác, việc chia nhỏ và dành một lượng căn hộ cho người dân trực tiếp tham gia mua cũng sẽ thúc đẩy việc hình thành cộng đồng dân cư nhanh hơn” - ông Châu nói.