Nghịch lý chấm sáng kiến kinh nghiệm…!

Nghịch lý chấm sáng kiến kinh nghiệm…!
Sáng kiến kinh nghiệm và đồ dùng dạy học tự làm cần được đánh giá trên khả năng ứng dụng vào thực tiễn giáo dục
Sáng kiến kinh nghiệm và đồ dùng dạy học tự làm cần được đánh giá trên khả năng ứng dụng vào thực tiễn giáo dục

(GD&TĐ) - Trong ngành Giáo dục, Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được xem là một đề tài khoa học. Người thực hiện đề tài thường là những giáo viên đã công tác lâu năm muốn chia sẻ kinh nghiệm đến với đồng nghiệp.

Để thực hiện một đề tài đúng nghĩa, đòi hỏi người giáo viên phải có sự tích lũy về kinh nghiệm và khả năng trình bày trên văn bản một cách chặt chẽ và có tính hệ thống. Chính vì vậy, “đứa con tinh thần” ra đời là cả một quá trình thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm của người giáo viên. Nhưng, cách bố trí người chấm SKKN như hiện nay của một số đơn vị đang làm nản lòng người thực hiện.

Theo cách phân công chấm SKKN hiện nay thì đối với cấp Phòng, thường là đội ngũ chuyên viên của Phòng và một số Hiệu trưởng các trường chấm. Đối với cấp trường thì là BGH và Chủ tịch công đoàn chấm. Nhìn vào thì thấy khách quan, đủ thành phần ban bệ, nhưng… với đề tài khoa học thì đó mới là điều cần chứ chưa đủ.

Bởi trong đội ngũ  được chọn chấm đề tài khoa học có rất nhiều người chưa một lần viết sáng kiến, nhiều cán bộ quản lí do yếu tố lịch sử để lại nên trình độ hàm thụ qua nhiều cấp học thì làm sao đủ khả năng để chấm… đề tài khoa học.

Theo chúng tôi, hiện nay trong các đơn vị Phòng Giáo dục đều có Hội đồng bộ môn, các trường đều có Tổ chuyên môn. Họ đều là những người có uy tín và am hiểu chuyên môn, đặc trưng của ngành học, họ thấy được cái nào là sáng kiến, cái  nào là viết chiếu lệ cho có phong trào hay vì  thành tích cá nhân. Nhưng… họ không có quyền tham gia chấm các đề tài khoa học này.

Vì sao lại có sự trái khoáy như vậy? Có phải là  các chuyên viên Phòng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường nhiệt tình trong phong trào làm khoa học của đơn vị không, hay vì một lí do nào khác? 

Theo chế độ hiện hành, mỗi một SKKN đều được chi trả một số tiền tương đối lớn, mà mỗi đề tài chỉ dao động trong khoảng 10 - 20 trang giấy (đọc cẩn thận khoảng 30 phút là xong một đề tài).

Một khoản tiền quá lớn được hưởng trên một đề tài nên thành ra những người am hiểu chuyên môn, đúng với chuyên môn chức trách thì không được thực hiện, mà người  không đúng chuyên môn lại có thể ngồi chấm và phán xét.

Làm sao một giáo viên trình độ 12+2 hàm thụ thêm vài tháng mà ngồi chấm đề tài khoa học của người có trình độ thạc sĩ, cử nhân; làm sao một ông giáo viên Văn mà ngồi chấm sáng kiến của các môn tự nhiên, làm sao một cán bộ môn tự nhiên mà ngồi chấm đề tài Văn học, Lịch sử... Những khái niệm, những thuật ngữ chuyên ngành khác nhau, phương pháp khác nhau, đặc trưng khác nhau!

Từ cách chấm chọn như vậy nên thường có những sáng kiến kinh nghiệm được giải theo kiểu ngoại giao, quen biết, đã là cán bộ quản lý mà viết SKKN thì không bao giờ rớt, bèo nhất là giải C, nhiều người giải B, bởi hai giải này không ảnh hưởng đến ai, chấm xong, công nhận giải… rồi bỏ xó đề tài. Còn giải A thì phải gửi lên Sở chấm, nên giáo viên trong ngành thường nói: Dân viết thì chờ may rủi, còn cán bộ đã viết thì ắt có giải…

Chúng ta đều biết, muốn làm một việc gì khó và càng khó hơn khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học, một lĩnh vực không phải cứ am hiểu là làm được. Từ ý tưởng, từ kinh nghiệm mà diễn giải thành một văn bản có hệ thống lô gíc  là cả một vấn đề.

Người thực hiện phần lớn là vì trải nghiệm của bản thân mà thực hiện, nhưng với cách chấm chọn SKKN không đặt vấn đề khoa học, lợi ích chung lên trên như một số địa phương đang làm thì sẽ làm nản chí người thực hiện. Đồng thời, vừa lãng phí tiền bạc của Nhà nước, vừa không tìm được những đề tài khoa học đúng nghĩa, vừa không giúp ích được sự phát triển của ngành Giáo dục.

Nhật Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.