Nghĩa cử ấm lòng nơi phố núi

GD&TĐ - Sau những chuyến đi làm công tác từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, chị vẫn không nguôi trăn trở, suy nghĩ về những cảnh đời, số phận ngày đêm bươn chải mưu sinh nhưng cuộc sống đời thường vẫn cứ thiếu ăn, thiếu mặc. 

Nghĩa cử ấm lòng nơi phố núi

Để góp sức chia sẻ những khó khăn với những cảnh đời nghèo khó, chị đã lập nên một tủ quần áo dành riêng cho người nghèo với câu nói giản dị “tấm lòng trao đi, nụ cười ở lại”. Việc làm của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không chỉ có ý nghĩa thiết thực, chia sẻ những khó khăn, gian khổ với người dân nghèo nơi đây, mà còn góp phần nhân lên tấm lòng nhân ái, nhân văn trong cộng đồng, xã hội.

Tấm lòng thơm thảo

Đã gần 2 năm nay, tủ quần áo miễn phí trước căn nhà số 3A, đường Đinh Tiên Hoàng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành một điểm đến thân quen đầy nghĩa tình của người dân nghèo sinh sống trên địa bàn. Chiếc tủ luôn đầy ắp những bộ quần, tấm áo sạch sẽ, tinh tươm treo sẵn cho những người cần dùng.

Hôm chúng tôi đến, cô Nguyễn Thị Sen (52 tuổi), Lê Thị Hòa (48 tuổi) – cùng quê ở tỉnh Phú Yên lên thánh phố Buôn Ma Thuột bán vé số, đang lựa chọn cho mình những bộ đồ ưng ý nhất. Hai năm nay, tủ quần áo miễn phí trở thành nơi “mua sắm” quen thuộc của 2 cô cũng như nhiều người dân lao động nơi đây.

Cô Sen chia sẻ: “Ở quê, gia đình tôi làm ruộng, cuộc sống không đủ tiền lo cho việc học hành của 2 đứa con đang theo học ở TPHCM, tôi đành bỏ quê lên đây bán vé số dạo kiếm tiền nuôi chúng ăn học. Mỗi khi đi bán vé ngang qua đây là tôi thường ghé vô xem có cái áo, cái quần nào vừa là lấy về mặc”.

Khi mọi người đã đi rồi, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo – chủ nhân của chiếc tủ quần áo miễn phí này, cẩn thận sắp xếp lại từng bộ quần áo và cho thêm vài bộ quần áo nữa vào tủ. Những bộ quần áo mà chị vừa nhận được từ sự đóng góp của bạn bè, người thân từ khắp nơi gửi về chia sẻ với những mảnh đời còn nhiều cơ cực nơi đây.

Nói về việc làm của mình, chị Thảo cho biết: Trong những chuyến công tác đến với các địa bàn vùng sâu, vùng xa và qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thực sự xúc động khi bắt gặp những hình ảnh rất thật của những em bé, người dân đang sinh sống trên những sườn núi heo hút, hay tận vùng sâu nghèo khó. Nơi đó, cuộc sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số bữa đói, bữa no.

Tôi đã nhiều đêm trăn trở không ngủ được khi lại nhớ những ánh mắt, những hình ảnh này. Chính điều đó đã thôi thúc tôi làm một điều gì đó, để có thể giúp ích những mảnh đời nghèo khó vơi bớt đi một phần khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống đời thường này.

Nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Mãi cho đến đầu năm 2016, ý nguyện đó mới thực sự thành hiện thực khi chị quyết định lập tủ quần áo miễn phí dành cho người nghèo. Nói về việc này, chị Thảo chia sẻ: Một hôm đi công tác tại TPHCM, tôi thấy trên phố có những quán cơm dành các suất cơm từ thiện, suất cơm miễn phí, hay những tủ bánh mỳ miễn phí, giá rẻ dành cho người dân lao động, công nhân nghèo khó… Điều đó đã thôi thúc tôi quyết định lập tủ áo quần miễn phí dành cho người nghèo như ngày hôm nay.

Để thực hiện điều đó, ban đầu chị Thảo đã bỏ ra 2,5 triệu đồng để đóng tủ đựng đồ. Sau khi có tủ, thông qua những mối quan hệ quen biết, trang mang xã hội Facebook, chị đã kiên trì vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân. “Thời gian đầu rất chật vật, khó khăn vì thiếu nguồn ủng hộ. Những ngày đó, quần áo chủ yếu là do mọi người trong gia đình đóng góp, một phần khác chị bỏ tiền túi ra mua sỉ áo quần giá rẻ về bổ sung.

Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay tủ đồ “dành cho người nghèo” của chị đã có nhiều người biết đến và ủng hộ. Không chỉ những nhà hảo tâm trong tỉnh, mà từ các tỉnh khác như TPHCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, cũng đã liên hệ và sẵn sàng hỗ trợ, quần áo, giày dép cũ cho tủ đồ từ thiện của chị. Hiện nay, ngoài tủ quần áo dành cho người nghèo ở thành phố Buôn Ma Thuột, thì tủ đồ của chị cũng đã đến với rất nhiều học sinh, cũng như bà con ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. “Tôi đang xây dựng kế hoạch là mỗi huyện của tỉnh Đắk Lắk phải có một tủ đồ dành cho người nghèo” chị Thảo tâm sự.

Mặc dù bận rộn với việc kinh doanh, nhưng chị Thảo vẫn dành tình cảm cho bà con nghèo, lúc nào chị cũng luôn tận tình giúp đỡ bà con xóm giềng; tham gia tích cực các phong trào, các cuộc vận động do ấp và địa phương phát động. 10 năm nay, chị luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện với một tâm nguyện “tấm lòng trao đi, nụ cười ở lại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ