(GD&TĐ) - Mấy ngày qua, báo chí và dư luận xã hội quan tâm đến kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 có hàng ngàn bài thi môn Sử bị điểm 0. Vấn đề có vẻ “nóng” sau bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ GS&ĐT Phạm Vũ Luận bên hành lang kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII. Có vẻ như bạn đọc quá chú ý đến câu chữ được rút làm tiêu đề bài báo mà bỏ qua những ý kiến nhận xét khác của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
Chúng ta không thể quên một thực tế về tính thực dụng trong học tập hiện nay (điều này không riêng ở nước ta). Như kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, hiện tượng “khối C mất mùa”, ngành KHXH&NV “rớt giá” là một chỉ báo cho thấy sự biến đổi của thang giá trị xã hội về ngành nghề. Như GS. Vũ Dương Ninh nhận định “Bởi khi trong xã hội, cơ hội việc làm, cơ hội có lương cao, có tương lai tốt hơn tập trung vào những ngành thời thượng, khi tấm bằng đại học còn là “tấm vé thông hành” quan trọng để xin việc làm, thăng tiến thì việc học sinh, phụ huynh học sinh coi nhẹ một số môn học, trong đó có môn lịch sử, là chuyện dễ hiểu” (TT, 31/7). Ngược dòng thời gian, việc phân ban Trung học phổ thông, những năm trước không ít trường đỏ mắt tìm kiếm học sinh vào ban C, D cũng cho thấy điều đó. Học để có công ăn việc làm, có thu nhập tương xứng với công sức, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ đã bỏ ra, là những suy nghĩ chính đáng. Đó là chưa kể, những người trẻ tuổi có chí tiến thủ, họ muốn thành đạt, thăng tiến trong xã hội, do vậy ít chọn các ngành thuộc khối KHXH&NV. Chẳng thể trách các em được.
(ảnh minh họa: Internet) |
Vì thế, không thể bác bỏ được ý kiến lý giải của Bộ trưởng về nguyên nhân môn Sử kém hấp dẫn “vì tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cũng như cơ hội tìm việc làm, cơ hội có thu nhập tốt của những người giỏi sử, giỏi văn, không nhiều như các lĩnh vực khác...Đó là vấn đề mang tính thời đại, do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi của đời sống xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động”.
Trong bài trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn có những suy nghĩ trăn trở: “kết quả thi môn lịch sử thấp hơn các môn khác thì cần quan tâm và bản thân tôi cũng rất trăn trở”, và: “kết quả thấp như vậy cũng không thể xem nhẹ và cần phải phân tích, đánh giá một cách khoa học để rút ra những kết luận cần thiết”.
Bộ trưởng cũng đã nhận định rằng “sẽ phải thay đổi trong dạy và học không chỉ môn sử mà còn cả các môn khác như địa lý, văn học... Sẽ cần bàn bạc, tìm tòi để thay đổi, có thể thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy và học hoặc thay đổi toàn diện...”
Chẳng lẽ người đọc không nhận thấy đó là những trăn trở, những suy nghĩ ở tầm vĩ mô của người đứng đầu ngành giáo dục, đào tạo? Để hiện thực hoá những suy tư này, theo tôi không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo ngành, các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo mà còn cần sự tham gia của toàn xã hội.
Đến đây, chợt nhớ câu chuyện ngày xưa Năm Hưng Long thứ thứ 16 (1308), Mạc Đĩnh Chi sang sứ nhà Nguyên. Lúc tới nơi thì trời tối, cửa ải đã đóng. Mạc Đĩnh Chi nói mãi, người Nguyên cũng không chịu cho qua. Lúc sau, quân canh cổng quẳng từ trên ải xuống một câu đối: "Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan." (Tới cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.) Mạc Đĩnh Chi đối: "Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối." (Ra câu đối dễ, đối lại khó, xin tiên sinh đối trước.). Chúng ta bình luận, phê phán một người hay một hiện tượng xã hội nào đó thường là dễ hơn việc đề ra các giải pháp nhằm hạn chế, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm đó. Vì vậy, thiển nghĩ rằng, những ai có tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm với môn Sử nói riêng và với ngành giáo dục, đào tạo nói chung, hãy lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng “Việc đổi mới căn bản và toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học trong nhà trường, trong đó có môn lịch sử, đang ở giai đoạn khởi động, cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người”.
Hãy xây dựng, đóng góp bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trong nhà trường sao cho có chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội và hội nhập quốc tế. Đó là cách tốt nhất để không còn những điểm kém trong kỳ thi tuyển sinh hàng năm.
Ngày 31 tháng 7 năm 2011
PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh
Trường Đại học KHXH&NV –ĐHQGHN