Nghi vấn tranh Việt bị 'đạo' trên mặt đồng hồ Thụy Sĩ

GD&TĐ - Đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret với hình ảnh Hai Bà Trưng và chim khổng tước dính nghi vấn 'đạo tranh' của họa sĩ Việt.

Hình ảnh Hai Bà Trưng và chim khổng tước trên đồng hồ Christophe Claret.
Hình ảnh Hai Bà Trưng và chim khổng tước trên đồng hồ Christophe Claret.

Màu sắc, đường nét hình ảnh Hai Bà Trưng trên chiếc đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret được cho là tác phẩm của họa sĩ André Martinez. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy sự giống nhau so với tác phẩm Hai Bà Trưng mà họa sĩ Xuân Lam thể hiện và từng trưng bày trong triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” và lần 2 với tên gọi “Cuộc gặp gỡ xưa - nay” vào 2019.

Hình ảnh Hai Bà Trưng trên đồng hồ Thụy Sĩ

Họa sĩ Xuân Lam bên tác phẩm 'Thiên hạ thái bình'.

Họa sĩ Xuân Lam bên tác phẩm 'Thiên hạ thái bình'.

Họa sĩ Xuân Lam sinh năm 1993, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa - Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh vừa nhận được học bổng toàn phần Fulbright để theo học thạc sĩ hội họa tại Mỹ. Ngoài vai trò là họa sĩ có triển lãm thành công, mới đây Xuân Lam cùng nhà nghiên cứu Ace Lê và Trương Uyên Ly đã có buổi tọa đàm trò chuyện với chủ đề “Nghệ sĩ đối diện với thị trường - một khung cảnh không ngừng biến đổi” nhằm đem đến những góc nhìn mới về thị trường và xu hướng của nghệ thuật đương đại.

Mới đây, Christophe Claret giới thiệu mẫu đồng hồ mới trên trang mạng xã hội Linkedin của hãng: “Christophe Claret muốn bày tỏ lòng tôn kính tới Hai Bà Trưng - hai chị em cùng là anh hùng dân tộc của Việt Nam vào thế kỷ thứ I. Họ đã đứng lên khởi nghĩa chống nhà Hán trong ba năm”.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trên một số trang mạng xã hội Việt Nam còn dành những lời “có cánh” cho nghệ nhân người Thụy Sĩ Christophe Claret - nói ông “đúng chuẩn là một nghệ nhân “trẻ” của ngành đồng hồ cơ”.

Theo các trang mạng này, Christophe Claret sinh năm 1962, năm 1986 ông mở xưởng chế tác đồng hồ lấy tên mình, đặt tại Le Locle.

Giống như nhiều nghệ nhân khác, không thuộc về bất kỳ tập đoàn hàng xa xỉ lớn nào, Claret luôn cố gắng tạo ra những thiết kế chi tiết và choáng ngợp nhất. Ông cùng các cộng sự làm từ tourbillon đến repetition, từ chronograph đến perpetual calendar, mà không thiếu những lần Claret kết hợp những complication đó lại với nhau.

Tháng 5/2021, Christophe Claret giới thiệu một bộ sưu tập mang tên Legend, với những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Năm mẫu đồng hồ được trang bị bộ máy flying tourbillon, kèm thêm tính năng điểm giờ minute repeater tiếng chuông giống hệt như tòa tháp Westminster.

Chiếc đầu tiên có hình ảnh của Napoleon Bonaparte. Sau đó đến tháng 6/2022, năm chiếc tiếp theo ra mắt, với hình ảnh của Jinmu Tenno, hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, Suleiman the Magnificent của đế quốc Ottoman, vua Ibn Saud, người lập quốc Saudi Arabia, chiến binh Amir Timur của Uzbek và Sheikh Zayed, tổng thống đầu tiên của UAE.

Mấy ngày trước, trang Facebook của Christophe Claret đã đăng tải hình ảnh đầu tiên của tạo tác mới trong bộ sưu tập Legend Westminster Minute Repeater Flying Tourbillon. Lần này, huyền thoại về Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ nhà Đông Hán từ năm 40 đến năm 43 sau Công nguyên được khắc họa trên mặt số đồng hồ 2 kim.

Bên trong chiếc đồng hồ là bộ máy NBC98, 511 chi tiết, vận hành ở tần số 21.600 vph, lên cót tay, trữ cót liên tục 60 giờ đồng hồ. Minute repeater sẽ được kích hoạt nhờ cần gạt bên trái case đồng hồ. Tất cả được đặt bên trong vỏ case bằng titanium hoặc vàng hồng, đường kính 47mm.

Bản quyền hay vấn đề lịch sử?

Tác phẩm 'Hai Bà Trưng' của họa sĩ Xuân Lam.

Tác phẩm 'Hai Bà Trưng' của họa sĩ Xuân Lam.

Đáng chú ý nhất, cả trang mạng xã hội Linkedin của hãng và một số trang của Việt Nam đều khẳng định hình ảnh trên mặt số đồng hồ là tác phẩm của họa sĩ André Martinez.

Theo Christophe Claret, mặt số với bức tranh vẽ Hai Bà Trưng cưỡi voi không chỉ đứng yên, mà 4 vị trí trên tranh cũng sẽ cử động theo nhịp gõ búa điểm giờ.

Việc này đang khiến nhiều người nghĩ tới việc hãng đồng hồ này vi phạm bản quyền tác phẩm của họa sĩ Xuân Lam. Cụ thể, trên mặt số của đồng hồ có hình ảnh Hai Bà Trưng và chim khổng tước. Hai tác phẩm này từng được Xuân Lam trưng bày trong 2 triển lãm vào năm 2019.

Xuân Lam được biết đến trong vai trò một họa sĩ trẻ năng động. Anh sáng tác nhiều tác phẩm dựa trên cảm hứng văn hóa dân gian Việt Nam và có nhiều triển lãm gây tiếng vang.

Xuân Lam từng băn khoăn việc giữ màu gốc hay tạo màu mới cho tác phẩm. Để hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại, anh đã giữ lại hầu hết phần tạo hình theo nguyên bản gốc của nghệ nhân, thêm thắt một vài chi tiết nhỏ để trang trí. Các bức tranh được vẽ tay nhằm giữ sự mộc mạc, thô ráp của chất liệu chì. Sau đó, tác phẩm được xử lý màu bằng đồ họa để mang tới cảm giác mới mẻ, hiện đại.

Sự năng động, sáng tạo của Xuân Lam phần nào “thắp sáng” những truyền thống đang bị mai một. Vì vậy, việc đưa sắc họa mới vào tranh dân gian và đưa hơi hướng tranh dân gian vào đời sống đương đại có phần công sức không nhỏ của họa sĩ trẻ này.

Trở lại câu chuyện hình ảnh Hai Bà Trưng, trong tranh Xuân Lam Hai Bà Trưng cưỡi voi đi song song, còn trên đồng hồ Christophe Claret lại được tách ra độc lập. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường có thể thấy đường nét và màu giá khá tương đồng. Hình ảnh con chim trên đồng hồ cũng khá giống với chim khổng tước mà Xuân Lam thể hiện trong tác phẩm “Thiên hạ thái bình”.

Một số họa sĩ đưa ra phân tích và khẳng định hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã “đạo” hình ảnh do Xuân Lam sáng tác. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng hình ảnh Hai Bà Trưng và bức chim khổng tước, về đường nét gam màu đúng là thoát thai từ tranh Xuân Lam. Tuy nhiên, Xuân Lam chỉ có công làm lại màu, còn nét vẽ cơ bản là thuộc về hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống - di sản nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, bức tranh Hai Bà Trưng thuộc về dòng dân gian chứ không thuộc tác giả hiện đại nào. Việc hãng đồng hồ nước ngoài tôn vinh hình ảnh ấy, nhắc nhớ đến lịch sử Việt Nam là điều đáng quý và đáng trân trọng chứ không nên “quàng, xiên” đến vấn đề bản quyền hay “đạo, nhái”.

Cho đến ngày 6/6, cá nhân họa sĩ Xuân Lam chưa đưa ra bất kỳ phản hồi hay ý kiến nào trước sự việc này. Hãng đồng hồ Christophe Claret cũng chưa có phản hồi trước nghi vấn “đạo” tranh của họa sĩ Việt.

Hiện cũng chưa thấy hãng đồng hồ Thụy Sĩ này báo giá sản phẩm phiên bản Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, nếu Christophe Claret giữ nguyên giá và lựa chọn vật liệu chế tác, thì mẫu titanium sẽ có giá 650.000 Franc Thụy Sĩ, mẫu vàng hồng sẽ có giá 680.000 Franc Thụy Sĩ - đổi ra là khoảng 713 đến 746 nghìn USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.