Bức tranh “Góc khuê phòng” của họa sĩ Đoàn Quốc mới được trưng bày hồi đầu tháng 6/2022 trong triển lãm “Như một hoài niệm” – do nhà nghiên cứu Lý Đợi làm giám tuyển. Bức tranh bị cho là “đạo nhái” ý tưởng và bố cục từ bộ phim ngắn “Cố Du” của đạo diễn Minh Luân – ra mắt năm 2020.
Nghi vấn “đạo nhái”
Ngày 18/7, trên trang Facebook La Quốc Bảo - Cố vấn trang phục và lịch sử của dự án “Cố Du” cho biết, chính thức khởi kiện họa sĩ Đoàn Quốc và giám tuyển Lý Đợi liên quan đến bức tranh “Góc khuê phòng”.
Theo ông La Quốc Bảo, ông Lý Đợi với tư cách là giám tuyển của họa sĩ Đoàn Quốc đã lập luận ngô nghê khi bác bỏ mọi cáo buộc từ đạo diễn Minh Luân - vì “không tin mình vi phạm bản quyền” và sẵn sàng đối chất trước tòa.
Như GD&TĐ từng thông tin về triển lãm cá nhân đầu tay của họa sĩ Đoàn Quốc. 21 tác phẩm được trưng bày tại Mây Artspace (Bình Thạnh – TPHCM), từ ngày 5/6 đã thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật.
Có thể nói, sự chú ý này hoàn toàn xứng đáng, khi tranh của Đoàn Quốc sử dụng chất liệu màu nước trên tranh khổ lớn, mang vẻ huyền ảo như ở cõi mộng. Trong tranh đồng thời xuất hiện những chi tiết mang đậm nét văn hóa Việt được tái hiện một cách tinh tế, hòa hợp với tổng thể.
Giám tuyển nghệ thuật Lý Đợi cho biết, Đoàn Quốc sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi, có thể nói là một họa sĩ còn rất trẻ. Vì rất trẻ, chưa có nhiều sự hỗ trợ và bảo trợ nên triển lãm cá nhân đầu tiên “Như một hoài niệm” được làm với tinh thần gần như độc lập ở nhiều khía cạnh.
Trong số 21 bức tranh, thì có tới 2/3 số lượng tác phẩm đã được bán trước khi triển lãm mở cửa. Trong đó, một bức tranh được chú ý hơn cả là “Góc khuê phòng”. Tuy nhiên, tác phẩm này lại được cho là khá tương đồng với một khung cảnh trong phim ngắn “Cố Du” của đạo diễn Minh Luân.
Ê-kíp dự án “Cố Du” khẳng định bức tranh đã “đạo nhái” cảnh phim, vốn được các thành viên trong nhóm tự bài trí, dàn dựng bằng cả hiện vật lẫn công nghệ mô phỏng CGI.
“Cố Du” là đoạn video được ra mắt vào năm 2020, tái hiện cuộc sống của tầng lớp quý tộc Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. “Những khung hình được tôi lên ý tưởng thiết kế và dàn dựng từ đồ cổ, kết hợp với công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) chứ không phải là cảnh trí có sẵn ở một ngôi nhà cổ nào đó”, đạo diễn Minh Luân cho biết.
So sánh cảnh trong “Cố Du” và bức tranh của Đoàn Quốc, đạo diễn Minh Luân nói rằng: “Phải công nhận rằng, đây là một bức tranh khá đẹp, có hồn. Tuy nhiên, nội dung được copy lại gần như hoàn toàn từ bố cục, ánh sáng (chỉ lấy nhân vật ra và thêm vào chim chóc)”.
Bức tranh “Góc khuê phòng” của Đoàn Quốc và cảnh trong phim “Cố Du” của Minh Luân (ảnh La Quốc Bảo). |
“Có lỗi vì chưa xin phép”
“Ai mà chả vui khi tác phẩm của mình trở thành nguồn cảm hứng cho người khác, nhưng hãy tác nghiệp một cách đúng đắn. Cho dù bạn có yêu thích một artwork tới đâu thì việc sao chép rập khuôn sẽ làm thui chột chính tư duy, sức sáng tạo và làm giảm giá trị tác phẩm” – Đạo diễn Minh Luân.
Sau khi bị tố “đạo nhái” ý tưởng, phía họa sĩ Đoàn Quốc đã chủ động liên lạc và đưa ra lời giải thích.
Đoàn Quốc thừa nhận, trong tác phẩm có sử dụng, tham khảo tư liệu để nghiên cứu về văn hóa của người Việt xưa về cách bài trí, sắp đặt kiến trúc – khi tình cờ xem được đoạn phim “Cố Du”.
Theo họa sĩ Đoàn Quốc: “Khi đưa vào tác phẩm, tôi xây dựng một câu chuyện khác sử dụng tư liệu kiến trúc để thể hiện văn hóa xưa. Tôi đã thay đổi ánh sáng, đồ vật bên trong. Nhưng tôi xác nhận rằng, tôi có ảnh hưởng và có tham khảo. Tôi có lỗi vì chưa xin phép”.
Tuy nhiên, phía đạo diễn Minh Luân cho rằng không cảm thấy thuyết phục. Anh yêu cầu Đoàn Quốc có thể xin lỗi công khai qua văn bản, hoặc có hướng bồi thường.
Trong khi đó, giám tuyển Lý Đợi lại cho rằng, trích một hình ảnh chuyển động (trong phim) để so với một hình ảnh tĩnh (tranh vẽ) là việc làm rất khó khăn vì quá khác nhau.
Trong khi 2 bức hình này chỉ giống nhau ở cái cửa sổ và một vài chi tiết, mà mấy cái giống này đã là hình ảnh trong dân gian. Nghĩa là các nhà cổ ở Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ đều thấy, đã hết bản quyền khai thác từ lâu.
Câu nói này của giám tuyển Lý Đợi vô tình đã làm sự việc thêm căng thẳng. Bởi vậy, ngày 18/7 ông La Quốc Bảo - Cố vấn dự án “Cố Du” cho biết, chính thức khởi kiện họa sĩ Đoàn Quốc và giám tuyển Lý Đợi.
Theo ông La Quốc Bảo, giám tuyển Lý Đợi đã cho rằng “trích phim qua tranh là việc làm rất khó khăn vì quá khác nhau”. Vậy nếu giữ quan điểm này, lấy tranh Đoàn Quốc đem tách lớp in 3D hoặc chuyển qua NFT bán, thì cũng quá khác nhau. Vậy có vi phạm hay không?
“Như Tây Du Ký nguyên tác là văn bản của nhân loại. Nhân vật không ai đánh bản quyền nhưng tạo hình là tài sản đoàn phim và nhà thiết kế. Ngay cả phim Avatar hay Marvel cũng phải sáng tạo từ những cái có sẵn, chứ đâu khơi khơi dựng cái là ra?”, ông La Quốc Bảo phân tích.
Cuối cùng, theo chuyên gia này thì không ai đánh bản quyền ngôi chùa, con phố, cái chợ. Nhưng tấm hình – thước phim của địa điểm thì lại có bản quyền. Bao gồm: Ánh sáng thời điểm đó, cách lấy góc, bố cục tỉ lệ. Chưa kể, cảnh quay của “Cố Du” là dựng lại hoàn toàn, xen lẫn kỹ xảo (CGI) chứ không phải đồ có sẵn.