Nghỉ thai sản trùng nghỉ hè, có được nghỉ bù?

GD&TĐ - Vợ của ông Nguyễn Thanh Đức (Hà Giang) là giáo viên tiểu học, đã vào biên chế, nghỉ sinh con từ tháng 4 đến tháng 10/2017. Trong thời gian nghỉ chế độ có 2 tháng trùng với thời gian nghỉ hè.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ông Đức hỏi, vợ ông có được nghỉ bù cho thời gian nghỉ hè không? Thời gian nghỉ bù là bao nhiêu và văn bản nào quy định?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Nguyễn Thanh Đức như sau:

Khoản 7, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm.

Theo Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT thì, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

- Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

- Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Theo Khoản 1 Điều 114 Bộ Luật lao động, người lao động chưa được bố trí thời gian nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 141/2011/TT-BTC ngày 20/11/2011 của Bộ Tài chính về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, quy định:

Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm thì các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm bố trí, sắp xếp công việc, thời gian cho cán bộ, công chức nghỉ phép theo chế độ quy định; trường hợp do nhu cầu công việc không thể bố trí cho cán bộ, công chức nghỉ phép hoặc bố trí không đủ số ngày nghỉ phép theo quy định, thì cơ quan, đơn vị quyết định việc chi trả tiền bồi dưỡng cho cán bộ, công chức những ngày chưa nghỉ phép hằng năm…

Căn cứ các quy định trên, trường hợp vợ ông Nguyễn Thanh Đức là giáo viên tiểu học có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hàng năm (nghỉ hè) thì sẽ được trường bố trí tiếp thời gian nghỉ hàng năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.

Trường hợp đã vào năm học mới mà Hiệu trưởng không thể bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho vợ ông Đức (do có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè) thì trường sẽ thanh toán bằng tiền theo quy định.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.