Nghĩ suy tên gọi cho thành phố Huế

GD&TĐ - UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến “Về tên gọi của thành phố, các quận và phương án tổ chức các đơn vị hành chính” để hoàn chỉnh Đề án thành lập thành phố trực thuộc T.Ư trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Một góc thành phố Huế nhìn từ trên cao
Một góc thành phố Huế nhìn từ trên cao

Theo đó, có 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến: thứ nhất là thành phố Huế; thứ hai là thành phố Thừa Thiên – Huế. 

Ngoài ra, cũng có 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính gồm: thành phố, 3 quận, 2 thị xã, 6 huyện; thành phố, 4 quận, 2 thị xã, 6 huyện. 

Tại hội thảo, đa số các ý kiến tại Hội thảo đều đồng ý với tên gọi tỉnh Thừa Thiên – Huế khi lên thành phố trực thuộc T.Ư là TP Huế.

Đối với phương án thành lập các đơn vị hành chính, đa số các ý kiến cho rằng thành phố sẽ có 4 quận (phía Nam, Bắc sông Hương) tên gọi các quận đặt theo các địa danh như: Thành Nội, quận Gia Hội, Ngự Bình, Hương Giang…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng số quận nên ít lại, bởi nếu nhiều quận bộ máy hành chính sẽ phình to, trong khi Chính phủ đang chủ trương giảm biên chế trong những năm tới.

Trong 2 phương án thành lập các Quận, các ý kiến cho rằng cần phải xây dựng các tiêu chí để xác định việc chia tách, thành lập số lượng các Quận, tên gọi các Quận (tên gọi theo số tự nhiên hay tên gọi bằng chữ) sao cho phù hợp với địa giới hành chính, văn hóa cũng như đảm bảo cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Huế sẽ không đổi tên

Tại hội thảo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: Sau khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế phải phấn đấu trở thành một trong 3 trung tâm tăng trưởng cấp quốc gia. Ông Xuân cho biết thêm: “Chữ Huế đã ăn sâu vào tiềm thức và là niềm tự hào của người Thừa Thiên - Huế ở trong và ngoài nước.

Thứ hai, chữ Huế không những ở trong lịch sử, trong văn học, trong đời sống mà còn trong nghệ thuật. Chữ Huế đó được UNESCO phổ biến cho thế giới biết, được công nhận là di sản thế giới. Vì vậy địa danh này rất có ý nghĩa.

Cùng bảo vệ ý kiến này, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết nên đặt tên là thành phố Huế. Trong văn liệu cổ, chữ Huế được ký âm là Hóa, được tìm thấy trong tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, tương tuyền của vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). 

“Tôi có lưu trữ một văn bản về ngoại giao năm 1956 của lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc, trong khuôn dấu đóng lên văn bản ghi rất rõ: “Lãnh sự quán trú Thuận Hóa” và một chữ “Hue” nằm độc lập. 

Mặc dù lúc đó đã đặt tên tỉnh là Thừa Thiên nhưng trong khuôn dấu ngoại giao, họ không dùng tên gọi Thừa Thiên mà dùng tên Thuận Hóa có từ gần 7 thế kỷ trước, bởi vì tên Thuận Hóa đã định danh từ xa xưa rồi. 

Tiếp theo, họ định danh là Huế. Khi khắc khuôn dấu như vậy thì nước ngoài đã nghiên cứu chiều sâu văn hóa của Việt Nam”. Như vậy, tên Huế thực chất là một địa danh văn hóa bao gồm cả vùng Thừa Thiên. 

Trên các atlat quốc tế, người ta cũng ghi địa danh là Hà Nội – Huế - Sài Gòn. Huế là một danh xưng có từ lâu và mang tính quốc tế.

Một dẫn chứng thú vị nữa, trong cuốn Địa chí tỉnh Thừa Thiên năm 1973, ở phần phong tục có viết: “Người Thừa Thiên thường gọi chung là người Huế, tính hiền hòa, ưa chuộng lễ nghi và các tập quán cổ truyền”. 

Bây giờ, đi ra các bến xe ngoại tỉnh sẽ thấy tính vùng miền rất rõ. Trên những chiếc xe, người ta ghi hành trình đi và đến là: Huế - TP Hồ Chí Minh, Huế - Nha Trang, Huế - Buôn Mê Thuột, Huế - Vinh.

Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa Huế cũng phân tích khá cụ thể nội hàm từng tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố Huế hay thành phố Thừa Thiên Huế) theo từng khía cạnh khác nhau như về lịch sử hình thành phát triển, yếu tố văn hóa, các văn bản pháp luật hiện hành cũng như định hình phát triển của thành phố trong tương lai. 

Đồng thời đều khẳng định, việc thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và các giá trị cảnh quan thiên nhiên hiện đang được lưu giữ, nhưng trọng tâm cũng phải đảm bảo cho việc phát triển kinh tế và xây dựng đô thị hiện đại, nhất là phải có sự biển đổi về chất và trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng cấp quốc gia.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ông Nguyễn Văn Cao cho rằng, do thời gian không còn nhiều, cuối tháng Ba phải hoàn tất đề án để gửi các Bộ và báo cáo với Chính phủ, vì vậy trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo này sẽ giúp thêm cho tỉnh trong việc hoàn thiện đề án. 

Đặc biệt, các ý kiến đã làm rõ thêm về lịch sử hình thành, nét văn hóa riêng có của vùng đất Cố đô và làm thế nào để phát huy các giá trị văn hóa di sản cũng như có sự thay đổi về chất khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung uơng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.