Nghị sĩ Mỹ lo dự án Nord Stream 2 sẽ giúp gia tăng đòn bẩy chính trị của Nga

GD&TĐ - Một nhóm các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga.

Dự án Nord Stream 2
Dự án Nord Stream 2

Trong một bức thư gửi ông Blinken mới được công bố, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng “những tuyên bố mạnh mẽ của chính quyền TT Biden trong việc phản đối đường ống trên không phù hợp với những hành động mạnh mẽ tương đương”.

Họ cũng lên tiếng cảnh báo về việc Nhà trắng không sẵn sàng thực hiện “kế hoạch áp dụng các biện pháp trừng phạt Nord Stream 2 bắt buộc” theo luật hiện hành của Mỹ.

Các nghị sĩ nói thêm rằng họ muốn làm rõ “lý do tại sao nhiều thực thể được cho là tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến dự án đường ống Nord Stream 2 của Nga mà vẫn chưa bị trừng phạt”.

Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi một nhóm gồm 40 thành viên các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi cho TT Joe Biden một lá thư yêu cầu ông áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2. Họ cho rằng dự án này vi phạm luật pháp Mỹ và cảnh báo rằng thời gian đang dần hết để có thể dừng hoạt động xây dựng dự án này.

Bức thư viết: “Việc chính quyền không xác định và áp thêm các biện pháp trừng phạt mới cho thấy chính quyền sẵn sàng cho phép TT Putin giành được quyền kiểm soát đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu và gia tăng đòn bẩy địa chính trị của Nga”. Những người ký bức thư bao gồm các thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa ở Thượng viện bao gồm Tom Cotton, Marco Rubio, Lindsey Graham, Susan Collins và Mitt Romney.

Mỹ đã áp 2 vòng trừng phạt đối với Nord Stream 2 theo Đạo luật Bảo vệ An ninh năng lượng châu Âu, khiến nhà thầu xây dựng có trụ sở tại Thụy Sĩ là AllSeas rút khỏi dự án. Điều này dẫn đến việc dự án dài 1.230km bị ngừng thi công khi chỉ còn chưa tới 150km nữa là hoàn thành. Nga đã cử tàu đến Biển Baltic để tiếp tục công việc.

Nord Stream 2 do các tập đoàn năng lượng khổng lồ là Gazprom của Nga, Uniper và Wintershall của Đức, Engie của Pháp, OMV của Áo và Roya Dutch Shell của Anh – Hà Lan tài trợ. Sau khi hoàn thành, đường ống có thể bơm thêm 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga sang Đức qua đáy biển Baltic, tăng gấp đôi công suất của mạng lưới Nord Stream hiện có.

Đức và Nga phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga cho rằng đây là ví dụ của việc cạnh tranh không lành mạnh nhằm tăng lượng khí ga hóa lỏng của Mỹ xuất sang châu Âu.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ