Nghị quyết về mức thu học phí kịp thời hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Theo Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ, mức thu học phí năm học 2022 - 2023 được giữ ổn định như năm học 2021 - 2022.

Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng. Ảnh: Website nhà trường

Đây là cơ sở để các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có chính sách hỗ trợ người học.

Ổn định học phí

Năm học 2022 – 2023, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm thời chưa thu học phí học kỳ I. Lý giải cho quyết định trên, theo ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT, do đầu năm học Bộ GD&ĐT có đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 - 2022. Trên tinh thần đó, sở tham mưu với lãnh đạo tỉnh chưa ban hành Nghị quyết về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập.

“Chính phủ ban hành Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023, trên cơ sở đó Sở GD&ĐT Quảng Ngãi sẽ tham mưu với UBND xây dựng dự thảo Tờ trình Nghị quyết về mức thu học phí trong năm học này. Tinh thần là giữ ổn định như năm học 2021 - 2022. Khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu học phí, sở sẽ có văn bản hướng dẫn để các trường có căn cứ pháp lý thực hiện” – ông Thái chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định Đào Đức Tuấn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục thực hiện mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2020 - 2021 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 25/12/2015 của HĐND tỉnh cho đến khi ban hành Nghị quyết mới.

Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Ông Tuấn nhấn mạnh, việc tiếp tục thực hiện mức thu học phí như năm học 2020 - 2021 nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh khi bị ảnh hưởng của Covid-19. Mức thu học phí trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua nghị quyết về miễn học phí học kỳ II năm học 2022 - 2023 cho học sinh trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% số học phí không thu theo quy định tại nghị quyết để chi hoạt động. Nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn sự nghiệp giáo dục thuộc ngân sách tỉnh năm 2023.

Sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Bảo đảm quyền lợi

“Với những trường đã thu học phí mới (mức thu tăng so với năm học 2021 - 2022), cần điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi cho sinh viên. Chẳng hạn như khấu trừ vào học phí học kỳ II để bảo đảm mức thu học phí ổn định như năm học trước” - ThS Vũ Đình Lê trao đổi.

Thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP, nhiều cơ sở giáo dục đại học chính thức “chốt” ổn định học phí như năm học 2021 - 2022. ThS Vũ Đình Lê - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh khẳng định, học phí năm học 2022 - 2023 của trường không tăng so với năm học trước. Vì thế, nhà trường không phải điều chỉnh sau khi có Nghị quyết của Chính phủ.

Đầu năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Y Hà Nội có thông báo về mức thu học phí. Theo thông báo này, mức thu tăng đáng kể so với năm học 2021 - 2022. PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo thông tin, mức học phí được xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý và các chính sách miễn giảm học phí với trường phổ thông, đại học. Nay có Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ, trường sẽ nghiên cứu và thông báo tới sinh viên, tinh thần là bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các em.

PGS.TS Lê Đình Tùng cũng nhắc đến 2 phương án mà cơ sở giáo dục đại học có thể áp dụng: Trả lại số tiền chênh lệch (nếu đã thu theo mức học phí mới tăng hơn so với năm học trước) hoặc khấu trừ vào học phí của học kỳ II.

Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ “ấn định” mức học phí của năm học 2022 - 2023 trong thời gian tới. Chia sẻ thông tin, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời cho hay, mức thu học phí được chia thành nhiều đợt. Học phí thu đợt 1 của học kỳ I năm học 2022 - 2023 là tạm thu. Sau khi có quyết định mức học phí năm học 2022 - 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tính toán đúng học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Nghị quyết nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.