Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Nghị quyết 29 tạo chuyển biến quan trọng về tư duy, nhận thức và tầm nhìn

GD&TĐ - Sau gần 10 năm đổi mới theo Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng khóa XI, giáo dục và đào tạo nước ta đã có nhiều chuyển biến quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Lễ Khai giảng năm học 2022 - 2023 tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sáng 5/9/2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Lễ Khai giảng năm học 2022 - 2023 tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sáng 5/9/2022.

Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tin tưởng sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển

- Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, luôn nhận được sự quan tâm và dõi theo của cả nước. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 đã chỉ rõ yêu cầu “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Xin Thủ tướng cho biết những thành quả đã đạt được sau gần 10 năm đổi mới giáo dục và những khó khăn, thách thức còn gặp phải trong tương lai?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nạn dốt là một trong ba thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất coi trọng giáo dục; xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.

Sau gần 10 năm đổi mới theo Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng khóa XI, giáo dục và đào tạo nước ta có nhiều chuyển biến quan trọng về tư duy, nhận thức và tầm nhìn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, quản trị, điều hành ở tất cả cấp học, ngành học; cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách; nội dung, phương pháp đào tạo; hợp tác quốc tế… nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa được như kỳ vọng. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn có nơi, có lúc chưa hợp lý, thừa thiếu cục bộ. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Một số tiêu cực chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận và lo lắng trong nhân dân…

Nhưng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành quyết liệt của Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ủng hộ, chung tay góp sức của nhân dân; hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, cùng với truyền thống hiếu học của dân tộc, chúng ta sẽ đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước tiếp tục có những bước phát triển mới, toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm giáo viên, học sinh huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) trước thềm năm học mới 2022 - 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm giáo viên, học sinh huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) trước thềm năm học mới 2022 - 2023.

Chăm lo mọi mặt đời sống của đội ngũ nhà giáo

- Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII đã tập trung vào cụm từ “phát triển con người” khi đề cập đến các vấn đề giáo dục và đào tạo. Thủ tướng có thể chia sẻ tầm quan trọng của nhân tố “phát triển con người” trong sứ mệnh phát triển, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã nhắn nhủ chúng ta: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược với giải pháp: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Với quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Giáo dục về các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam: Nhân ái, nghĩa tình, trung thực, trong sáng, cầu thị, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, lương thiện; hướng tới xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội hạnh phúc.

Thúc đẩy hệ sinh thái học tập suốt đời, đổi mới sáng tạo, học đi đôi với hành; khơi dậy và phát huy tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, tích lũy tri thức nhân loại…, để trở thành công dân toàn cầu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc sân tộc; đạo đức, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tính tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên. Phát triển con người toàn diện cả về chân - thiện - mĩ, kỹ năng sống, sức khỏe tinh thần, thể chất.

- Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo đã được khẳng định, ghi nhận trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đảng, Nhà nước cũng có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của đội ngũ. Nhưng đến thời điểm này, điều gì liên quan đến đội ngũ nhà giáo khiến Thủ tướng còn trăn trở và có giải pháp gì giải tỏa những trăn trở đó?

- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Một trong những trăn trở nhất của tôi hiện nay là làm sao bảo đảm được số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nhất là đời sống vật chất, tinh thần cho các thầy cô.

Đảng, Nhà nước ta đã, đang và sẽ có giải pháp tổng thể, bao trùm, toàn diện nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và chăm lo mọi mặt đời sống của đội ngũ nhà giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

- Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ