Nghỉ hè, thầy cô vào tận làng dạy chữ

GD&TĐ - Năm học mới dù chưa đến gần, nhưng thầy, cô giáo ở các trường vùng sâu đã lên kế hoạch giúp trò làm quen với tiếng phổ thông. Nhà trường cũng kêu gọi, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ SGK cho học sinh.

Giáo viên huyện Kbang đến tận nhà vận động học sinh ra lớp.
Giáo viên huyện Kbang đến tận nhà vận động học sinh ra lớp.

Vào tận làng dạy chữ cho trò

Mặc dù học sinh đang trong thời gian tham gia các hoạt động hè tại địa phương, nhưng thầy, cô giáo trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai) đã lên kế hoạch bổ trợ kiến thức cho các em trước thềm năm học mới.

Cô Huỳnh Thị Bích Liên, giáo viên lớp 5 cho biết, học sinh nơi đây khá nhút nhát, chủ yếu quanh quẩn ở nhà với bố mẹ hoặc lên nương rẫy. Khi thấy người lạ, các em thường né tránh nên chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng bản địa. Chính vì vậy, thầy cô thường xuyên bồi dưỡng tiếng phổ thông để học sinh lớp ghi nhớ, thuận lợi khi tiếp cận chương trình.

Cô Liên cho hay, những năm trước vào khoảng tháng 8, nhà trường sẽ vận động học sinh lớp 1 đến trường để thầy, cô hướng dẫn cho các em làm quen với tiếng phổ thông. Tuy nhiên, tuổi nhỏ, bố mẹ lại đi làm xa nên chẳng có ai đưa lũ trẻ đến trường. Có những em theo bố mẹ nên nương rẫy, còn lại ở nhà trông em hoặc tự chơi với nhau.

Theo cô Liên, thầy cô dự định khoảng đầu tháng 8 sẽ vào làng, đến tận nhà vận động các em chuẩn bị vào lớp 1 học tiếng phổ thông. Từ đó, giúp học sinh làm quen với giáo viên và ngôn ngữ thứ 2.

“Hàng ngày giáo viên sẽ vào làng, vận động phụ huynh tập trung các em thành một lớp để làm quen với tiếng nói, chữ viết. Nếu không được, thầy cô sẽ chia thành từng nhóm nhỏ để hướng dẫn học sinh. Chúng mình luôn mong học sinh sẽ được tiếp cận chương trình học sớm để các em bớt bỡ ngỡ”, cô Liên chia sẻ.

Đối với những học sinh lớp lớn hơn, vào đầu năm học mới thầy, cô giáo sẽ đan xen ôn tập kiến thức cũ và giảng dạy bài mới. Từ đó, giúp các em ghi nhớ kiến thức một cách tốt nhất.

Cũng theo cô Liên, trước khi nghỉ hè giáo viên đã hướng dẫn, tuyên truyền cho học sinh tránh xa ao, hồ, sông, suối. Bên cạnh đó, nếu các em có điều kiện thì nhờ những người lớn trong nhà dạy bơi để phòng, chống đuối nước…

“Dịp hè sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu học sinh trau dồi và phát triển các kĩ năng sống. Những điều này sẽ giúp các em phát huy toàn diện năng lực và phẩm chất; Đồng thời dễ dàng ứng phó khi gặp những tình huống phát sinh, bất trắc”, cô Liên bộc bạch.

Sách cũ tặng trò trong năm học mới

Cô trò trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai).
Cô trò trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai).

2 năm triển khai chương trình GDPT 2018 đã mang lại nhiều hiệu quả đối với thầy và trò. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình mới cũng khiến một số trường học ở vùng khó khăn lo lắng về vấn đề thiếu SGK cho học sinh.

Thầy Phạm Văn Tấn, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Krong (huyện Kbang, Gia Lai) cho biết, học sinh của trường đa số là người dân tộc thiểu số với điều kiện sống khó khăn. Ngay từ cuối các năm học, nhà trường thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ SGK cho các em.

"Mặc dù vùng khó khăn, nhưng dịp cuối năm cũng có một số học sinh gửi tặng SGK cho nhà trường khi không sử dụng đến. Số sách này, đơn vị sắp xếp vào tủ sách dùng chung để tất cả học sinh đều có thể đọc, sử dụng. Nhiều học sinh gia đình khó khăn nên không đủ điều kiện để mua SGK của chương trình GDPT 2018. Chính vì vậy, nhà trường đều nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của mạnh thường quân. Nhờ vậy, những năm qua học sinh mới đủ sách khi đến trường”, thầy Tấn chia sẻ.

Thầy Tấn cho hay, năm học 2022-2023 sẽ thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7. Theo thống kê, năm học này sẽ có 70 học sinh lớp 7, tuy nhiên các em đều không đủ điều kiện để mua SGK.

“Tôi mong rằng các nhà hảo tâm sẽ quan tâm, hỗ trợ học sinh lớp 7 trước khi bước vào năm học mới. Đồng thời tôi cũng mong nhận được thêm 50 bộ SGK lớp 6 để đưa vào tủ sách dùng chung cho các em sử dụng. Đủ SGK, các em sẽ vững tâm khi đến trường. Từ đó thúc đẩy học trò cố gắng vươn lên trong học tập để thoát nghèo, phát triển quê hương”, thầy Tấn bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.