Nghỉ hè nên cho trẻ học gì để thư giãn và sáng tạo?

GD&TĐ - Nhiều địa phương cấm dạy thêm trong hè, nhưng không ít phụ huynh vẫn đôn đáo tìm chỗ học cho con.

Học sinh huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) trong giờ học bơi. Ảnh: Phòng GD&ĐT cung cấp
Học sinh huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) trong giờ học bơi. Ảnh: Phòng GD&ĐT cung cấp

Nên lắng nghe con

Theo thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Ngữ văn Phòng GD&ĐT huyện Lương Tài, Bắc Ninh, một trong những lý do khiến phụ huynh muốn con đi học thêm hè vì không gian vui chơi ở đô thị chật hẹp, nhiều rủi ro nếu để con tự ở nhà hoặc chơi tự do bên ngoài. Trong khi đó, công việc của bố mẹ bận rộn, không có thời gian quản lý con cái.

Bởi vậy, đi học thêm, con vừa được củng cố kiến thức, vừa có người quản lý trong thời gian không đến trường. Tuy nhiên, cha mẹ đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi đám đông, nghe ngóng vài người tìm được chỗ học hè cũng nóng lòng muốn con theo học.

Việc tìm nơi học thêm, nếu xuất phát từ nhu cầu của con và phù hợp với điều kiện gia đình là việc làm chính đáng. Tuy nhiên, thầy Bắc cho rằng, cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về việc học thêm, cho con tham gia học ở những cơ sở tin cậy, được cấp phép. Thời gian, địa điểm học thêm (nếu có) phải phù hợp để đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho con.

Đặc biệt, cần sắp xếp thời gian để con được tham gia nhiều hoạt động xã hội, nghỉ ngơi, vui chơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp về tổ chức nghỉ hè cho học sinh. Tổ chức hoạt động nghỉ hè của gia đình, hội nhóm… để con vừa được vui chơi, mà vẫn tự ôn tập ở nhà. Đồng thời, cha mẹ, hội phụ huynh có thể tư vấn, góp kinh phí cùng nhà trường phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức những hoạt động hè để học sinh được tham gia.

Với nhà trường, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho rằng có thể phối hợp với Đoàn Thanh niên, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tập thể để hỗ trợ học sinh tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trải nghiệm hướng nghiệp... Thầy cô có thể tư vấn cho phụ huynh học sinh hướng dẫn học sinh ôn, học gì trong hè cần thiết, gửi tài liệu tự học cho học sinh tham khảo; trong đó lưu ý phát huy vai trò tự học và khai thác tư liệu trên Internet.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), bày tỏ quan điểm nên để trẻ nghỉ ngơi trong hè. Có điều kiện, bố mẹ đưa các con đi chơi, trải nghiệm, vừa bổ trợ kiến thức thực tế lại gắn kết các thành viên gia đình. Với trẻ thành phố, có thể gửi về quê với ông bà, để trẻ được trải nghiệm nông thôn mà bố mẹ lại yên tâm.

Cũng có thể cho các em tham gia hoạt động lành mạnh như: Sinh hoạt hè tại địa phương; tham gia các khóa học trải nghiệm để phát triển năng lực. Lưu ý sắp xếp thời gian biểu hợp lý để con có thời gian học, nghỉ ngơi, chơi phù hợp… Việc lắng nghe nhu cầu của trẻ vô cùng quan trọng.

Góc độ chuyên gia tâm lý, ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, nhấn mạnh: Phụ huynh cần hiểu con người luôn hoạt động theo cơ chế nạp vào và thải ra. Học sinh đã có 9 tháng học vất vả - quá trình này nạp rất nhiều kiến thức - thì cần thời gian để thải ra - đó là dành thời gian vui chơi, giải trí, hoạt động nghệ thuật, năng khiếu, vận động. Như vậy cuộc sống mới cân bằng.

Vì vậy, để học sinh phát triển nhân cách toàn diện, cân bằng thể lý và tâm lý, cần xây dựng kế hoạch hoạt động hè thông qua các hoạt động năng khiếu, vận động, tiếp xúc với thiên nhiên, học kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, giá trị sống... Bên cạnh đó, việc dành một vài tuần trước khi vào năm học mới để ôn luyện kiến thức mới cũng rất quan trọng. Vì sau khoảng thời gian não được thư giãn, việc tiếp thu kiến thức sẽ diễn ra nhanh, hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tránh cực đoan

Học văn hóa trong hè không phải cấm kỵ. Vấn đề cha mẹ, con cái xác định, thống nhất với nhau về mục tiêu đạt được trong mùa hè là gì. Chia sẻ điều này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, cho biết: Thường tri thức và trí thông minh chỉ chiếm 20% sự thành công; 80% phụ thuộc vào kỹ năng sống, phẩm chất, trí thông minh cảm xúc và khả năng định hướng của cá nhân.

Vì vậy, học kiến thức chỉ nên áp dụng ở trường hợp trong năm học con bị ốm, hổng kiến thức, mùa Hè là cơ hội để đuổi kịp bạn bè, không bị bỏ lại phía sau. Hoặc học kiến thức vì mục tiêu giáo dục cá nhân, con đã có kế hoạch tham gia các cuộc thi, chương trình trải nghiệm trong năm học mới nên cần học trước.

Đối với những trẻ tài năng, chương trình giáo dục hiện nay khuyến khích học linh hoạt, học theo “nhịp” của trẻ. Trẻ cảm thấy hứng thú với môn học nào thì hè học các chương trình nâng cao, làm giàu... cũng là cách để thỏa mãn sự tò mò tri thức của các em.

Điều này hoàn toàn phù hợp, không nhất thiết cấm cản một cách cực đoan. Cha mẹ cũng đừng tuyệt giao con với thế giới mạng. Chúng ta giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ mạng vì sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ, nhưng con vẫn cần tiếp xúc với thế giới mạng để học về năng lực thông tin, năng lực sống an toàn trên không gian số.

Trước lo lắng khó kiểm soát con dịp hè, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ cần lên kế hoạch trước cho mỗi mùa Hè; xác định những mục tiêu giáo dục mà con cái, gia đình muốn đạt được; bàn bạc về quỹ thời gian cha mẹ có thể dành cho con để lên kế hoạch tổ chức. Để mùa Hè của con bổ ích, các gia đình cần suy nghĩ để phát triển các ý tưởng hoạt động theo nhóm.

Dựa trên các nhóm hoạt động, gia đình trao đổi với con để xác định những hoạt động đa dạng con sẽ thực hiện trong thời gian hè (như tham gia các khóa học trải nghiệm, đọc sách khám phá tri thức; tham quan với gia đình; tập một môn thể thao; thực hiện những hoạt động tình nguyện tạo ra giá trị…). Gia đình cần thống nhất với con một số nguyên tắc để bảo đảm mùa Hè của con an toàn, bổ ích.

PGS Trần Thành Nam cho biết: Những đứa trẻ cũng cần có không gian tĩnh lặng, không làm gì cả, được ngồi thư giãn và suy nghĩ vẩn vơ. Điều này rất cần thiết để những ý tưởng sáng tạo xuất hiện; cũng là những thời gian để trẻ tự suy ngẫm về sở thích, đam mê và định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ