Nghỉ hè: Hài hòa giữa học và chơi

GD&TĐ - Hè là dịp để trẻ em nghỉ ngơi sau những ngày tháng học tập căng thẳng. Thế nhưng, hiện nay nhiều trẻ em đang phải đối mặt với áp lực học kỳ thứ 3. 

Nghỉ hè: Hài hòa giữa học và chơi

Đặc biệt tại các thành phố lớn, việc trẻ em đi học thêm ngày càng gia tăng. Để trẻ có một mùa hè bổ ích mà vẫn đảm bảo được việc ôn tập những kiến thức đã học, mỗi gia đình nên có một kế hoạch cụ thể cho con.

Cân đối giữa học và chơi

Chị Phương Nga công tác tại công ty Bảo hiểm nhân thọ Hà Nội chia sẻ: Với mong muốn con được phát triển toàn diện, theo sự tư vấn của các chuyên gia, hè này ngoài việc ôn tập văn hóa, chị đã đăng ký cho con theo học các lớp kỹ năng mềm và môn năng khiếu.

Những năm trước, vì sợ con quên kiến thức nên khi nghỉ hè, chị đã chủ yếu chỉ đăng ký cho con theo học các môn văn hóa tại một trung tâm ôn luyện ngay cạnh nhà. Năm nay được biết Cung thiếu nhi Hà Nội mở khá nhiều các lớp dạy kỹ năng cho trẻ, ngay từ đầu hè chị đã đăng ký cho con gái theo học. Cháu rất thích thú với khóa học làm đồ chơi bằng vải và lớp học hội họa. Chị cũng chia sẻ, để thuận tiện cho việc đưa đón, các phụ huynh nên lựa chọn lịch học các môn liền nhau. Còn đối với các môn văn hóa, chị định khi nào nhà trường mở lớp ôn tập trong hè thì sẽ đăng ký cho con theo học.

Cũng cùng quan điểm này, chị Mai Anh, khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), cho biết: Nghỉ hè là khoảng thời gian các con được xả hơi sau cả một năm học. Vì vậy, bố mẹ nên bàn bạc cùng con cái lập một thời gian biểu hợp lý. Ngoài việc cho các con về quê, thăm ông bà nội ngoại, du lịch... các con, chị đều tự giác phân chia thời gian ôn tập lại kiến thức cũ.

Để hè thực sự bổ ích

Học hè thực sự có giá trị khi nó đem lại hiệu quả, giúp trẻ phát huy năng lực và đảm bảo sức khỏe cũng như có thời gian để giải trí. Nếu cha mẹ cho con học thêm những kiến thức phù hợp với sở thích, khả năng tiếp thu, sức học của trẻ thì sẽ giúp trẻ phát triển được năng lực và trí tuệ của mình. Ngược lại, nếu cha mẹ bắt ép con học tất cả các bộ môn, khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi, không đủ sức để tiếp thu kiến thức, không đảm bảo có sức khỏe để theo học thì vừa không đem lại hiệu quả gì vừa khiến trẻ nảy sinh những hành động tiêu cực. Chính vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến việc học và tâm lý cũng như năng lực của trẻ, để cho con em mình đi học thêm một cách hữu ích, không quá tải đối với trẻ.

Theo chuyên gia tư vấn Trung tâm iSmartKids Phạm Kiều Trang, những năm gần đây Trung tâm iSmartKids đã mở các lớp bán trú hè cho trẻ. Chương trình hè bán trú sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Theo các nhà khoa học, việc dừng lại chuyện học tập trong thời gian 3 tháng hè sẽ dẫn đến tình trạng hao hụt kiến thức tương đương với 2 - 6 tháng học.

Tương tự, những thói quen tốt như nề nếp, tinh thần kỷ luật, tính chăm chỉ… cũng dễ mất đi do không được rèn luyện thường xuyên. Chưa kể đến là những thói quen xấu như xem tivi, nghiện game, lười nhác, vui chơi quá đà dễ dàng tiêm nhiễm vào trẻ. Tham gia các khóa rèn luyện mới mùa hè là cách duy nhất để duy trì, bổ sung kiến thức và những kỹ năng thực tế cho trẻ mà các chương trình chính khoá chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải cha mẹ cứ đăng ký cho con càng nhiều môn học trong hè là con sẽ giỏi. Cha mẹ hãy là những phụ huynh thông thái trong việc lựa chọn các môn học văn hóa cũng như các môn năng khiếu hay kỹ năng mềm cho con. Đừng vì chạy theo nhu cầu số đông, mà nên tìm hiểu kỹ năng lực, sở thích để tác động và khích lệ trẻ phát triển một cách tốt nhất. Cha mẹ cần ghi nhớ: Học để cho con chứ không phải học để thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng của người lớn.

“Phụ huynh nên biết môn học nào thực sự cần thiết cho trẻ để có thể phát huy hết năng khiếu, niềm đam mê và thực sự có ích cho trẻ sau này và đăng ký cho trẻ học thay vì học các môn chạy theo trường, theo lớp, theo xu hướng hay theo mong muốn của bản thân mình” - chuyên gia Phạm Kiều Trang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.