Nghị định về quản lý lễ hội: Linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt

GD&TĐ - Trước những vấn đề nan giải của các mùa lễ hội như nạn bạo lực, tranh cướp, gây phản cảm trong xã hội, làm lệch lạc những giá trị lễ hội, mới đây, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học cho dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội để trình lên Chính phủ.

Nghị định về quản lý lễ hội: Linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt

Lưu ý lễ hội mang yếu tố nước ngoài

Dự thảo Nghị định về quản lý lễ hội được xây dựng dựa theo những vấn đề từng được quy định trong một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ gồm 4 chương và 19 điều, trong đó có nêu bật các nội dung như: Nguyên tắc tổ chức lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tổ chức lễ hội; trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội; yêu cầu đối với các lễ hội tổ chức định kỳ…

Trong buổi lấy ý kiến dự thảo, phần đông các nhà văn hóa đều khẳng định sự cần thiết phải có một Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, Nghị định đó được thể hiện thế nào cho phù hợp để vừa thể hiện vai trò quản lý Nhà nước vừa phát huy được những giá trị của cộng đồng, phát huy được giá trị văn hóa bản địa lại cần phải được xây dựng cẩn thận.

Giáo sư Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong Nghị định nên có sự phân định rõ những lễ hội nào phải xin phép. Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, chỉ những lễ hội nhỏ, lễ hội mang yếu tố du nhập nước ngoài thì mới cần xin phép cơ quan quản lý, còn những lễ hội mang tính chất truyền thống, được tổ chức định kỳ nhiều năm thì không cần phải làm thủ tục này. Bởi khi đã có cơ chế “xin phép” có nghĩa là có việc “xin - cho”, như vậy sẽ làm mất đi giá trị đẹp đẽ của lễ hội.

Linh hoạt, mềm dẻo trong quản lý lễ hội

Tại Điều 4 của dự thảo Nghị định - nguyên tắc tổ chức lễ hội, có nội dung: “Loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực”.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong Nghị định này, Bộ VH-TT&DL nên tránh dùng những từ mang tính chất cấm đoán như: “Loại bỏ”, “thay thế”… bởi đây là những việc làm đi ngược với xu hướng quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Nghị định không phải để kiểm soát lễ hội mà là để xây dựng môi trường an toàn, tốt đẹp, duy trì phát huy được những giá trị truyền thống của các lễ hội.

Do đó, cần thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp trong việc quản lý Nhà nước về lễ hội không nên cứng nhắc như quy định “không quá 2 hòm công đức”, bởi không phù hợp với lễ hội lớn có lượng khách đông; quy định về cấp phép lễ hội cần cụ thể, rõ ràng hơn.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội là việc làm cần sự vào cuộc và đóng góp của nhiều ban, ngành, đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn hóa. Khi thực hiện soạn thảo dự thảo Nghị định, Bộ VH-TT&DL đã phải cân nhắc từng câu chữ để tránh những hiểu lầm, sai sót khi Nghị định được đưa vào cuộc sống.

Bà Ninh Thị Thu Hương cũng khẳng định, Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo vai trò quản lý của cộng đồng, tôn trọng cộng đồng chứ không phải là áp đặt. Cục tiếp tục lấy ý kiến của các nhà văn hóa, những người có chuyên môn để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Theo kế hoạch, sau Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, trong tháng 12/2017, Bộ VH-TT&DL sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành trong quý I/2018.

Nghị định sẽ là hành lang pháp lý để các lễ hội bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhà quản lý văn hóa các cấp bớt lúng túng triển khai quản lý, tổ chức lễ hội phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.