Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT: Tiếng nói người trong cuộc

GD&TĐ - Với việc ban hành Nghị định 35 sẽ tạo cơ hội, điều kiện để nhiều nhà giáo có thể vinh dự được xét danh hiệu NGND, NGƯT...

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: TG
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: TG

Các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có những nhận định riêng về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGDN), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) theo Nghị định số 35/2024/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 35) của Chính phủ mới ban hành.

Nên “nới” quy định về tham gia viết sách

Sau khi đọc và nghiên cứu Nghị định 35, cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, Nghị định mới của Chính phủ có một số quy định về tiêu chuẩn xét tặng hai danh hiệu cao quý đã linh hoạt hơn so với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP (Nghị định 27).

Trước khi được văn bản hóa, Chính phủ cũng có sự cân nhắc trên cơ sở tham mưu từ thực tế. Đơn cử, việc lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai, xác nhận hồ sơ, đánh giá uy tín, tầm ảnh hưởng của nhà giáo do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị thực hiện.

Tại khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 8 của Nghị định 35 cũng quy định rõ, nhà giáo cần tận tụy, tâm huyết với nghề, yêu thương và đối xử công bằng, tôn trọng nhân cách người học; có uy tín về chuyên môn, là tấm gương sáng, nhà giáo mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong đổi mới quản lý, giảng dạy…

Tuy nhiên, điều cô Vân Hồng còn băn khoăn ở việc Nghị định mới chưa đề cập nhiều tới dạy và nghiên cứu của các nhà giáo, phần lớn cần danh hiệu – điều mà những thầy cô dạy giỏi chưa chắc đạt được. NGƯT hay NGND thì điều kiện đầu tiên phải là dạy giỏi. Tiêu chuẩn này lại linh hoạt đổi bằng các danh hiệu khác sẽ ít nhiều làm mất ý nghĩa của danh hiệu cao quý này.

“Tiêu chí về các đầu sách nhà giáo tham gia viết không nhất thiết phải do Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT các tỉnh/thành triển khai vì không phải ai cũng được mời đi viết, số lượng rất hạn chế. Có thể mở rộng viết các đầu sách tham khảo cho giáo viên và học sinh trực tiếp dạy - học.

Có những thầy cô tâm huyết, dạy giỏi nhưng ở khu vực khó khăn. Có thầy cô cả đời cống hiến nhưng trường không thể có danh hiệu do tỉ lệ trường xuất sắc bị hạn chế, để chạm đến hai danh hiệu cao quý NGND, NGƯT có lẽ không dễ đối với nhiều nhà giáo”, cô Vân Hồng nêu quan điểm.

Cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) nhận định, Nghị định 35 có một số điểm mới so với Nghị định 27 ở chỗ quy định rõ hơn cách tính thời gian, nhóm đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng.

Quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được ở thời gian công tác trong ngành Giáo dục; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trong thời gian giữ chức vụ quản lý, có tham gia nuôi, giảng dạy đủ định mức tối thiểu theo quy định thì được tính thời gian trực tiếp nuôi, giảng dạy và quy đổi theo các mức cụ thể.

Nghị định mới đã quan tâm đến đối tượng đặc thù; bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm nhà giáo. Với việc ban hành Nghị định 35 sẽ tạo cơ hội, điều kiện để nhiều nhà giáo có thể vinh dự được xét danh hiệu NGND, NGƯT; đồng thời tạo động lực tích cực cho các nhà giáo nhiệt huyết phấn đấu.

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: TG.

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: TG.

Quan tâm đối tượng đặc thù

Ghi nhận tính phù hợp của các tiêu chí trong Nghị định 35, thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, nhiều năm nay, số lượng NGND trên toàn quốc được xét tặng còn khiêm tốn.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tìm ra nhân tố tiêu biểu để xét duyệt danh hiệu NGƯT khi các nhà giáo, cán bộ quản lý còn đang công tác; sau đó, họ có cơ hội tiếp cận các điều kiện để xét tặng danh hiệu NGND. Khi đã nghỉ chế độ, thầy cô không còn cơ hội cống hiến thêm cho ngành Giáo dục, trừ một số trường hợp đặc biệt nhưng rất hiếm.

Mỗi nhà trường, địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện để các nhà giáo tiêu biểu đủ điều kiện có thể tham gia nộp hồ sơ xét tặng các danh hiệu cao quý NGND, NGƯT. Các trường dù công lập hay ngoài công lập nên đẩy mạnh khâu truyền thông tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về các tiêu chí xét tặng danh hiệu này.

Đồng thời, cần có chiến lược rõ ràng giúp nhà giáo thêm nỗ lực đạt được các tiêu chí đó. Ví dụ, trong vòng 5 năm, các trường cần tạo điều kiện để những thầy cô tiêu biểu, xứng đáng xét tặng NGƯT; với NGƯT thì có hướng phấn đấu đạt danh hiệu NGND.

“NGND là một vinh danh, phần thưởng xứng đáng được Nhà nước trao tặng cho nhà giáo có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà, tôn vinh nhà giáo điển hình.

Mỗi nhà quản lý ở cơ sở giáo dục nên quan tâm phát hiện, bồi dưỡng nhân tố nổi bật để các thầy cô có thể tiếp cận, chinh phục các điều kiện xét tặng danh hiệu NGƯT, NGND. Nếu làm được điều này, hi vọng trong những năm tiếp theo sẽ cải thiện được số lượng NGND, NGƯT giúp lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của người thầy trong xã hội”, thầy Cường bày tỏ.

Gắn bó với giáo dục chuyên biệt hơn 30 năm, NGƯT Lê Thanh Hà – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiểu hơn ai hết những cống hiến thầm lặng, nỗi vất vả không thể đo đếm của giáo viên chuyên biệt khi vừa chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật và học sinh không khuyết tật. Qua nghiên cứu, cô Hà cho hay, Nghị định 35 đã có sự quan tâm và xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Trong đó, thời gian công tác của nhà giáo ở địa bàn biên giới, biển, hải đảo, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu. Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu.

Cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cơ bản đồng tình với những điểm được nêu tại Nghị định 35. Điều khiến cô Lương băn khoăn là điều kiện xét tặng NGƯT phải có sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm hiện do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nếu những nhà giáo có sáng kiến kinh nghiệm cách đây nhiều năm do sở GD&ĐT cấp thì có được tính hay không? Ngoài ra, điều kiện về tham gia biên soạn sách cũng là trở ngại không nhỏ với nhiều nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.

Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu