Nếu thấp hơn sẽ bị tính tiền chậm nộp thuế. Nghị định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, không thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Quy định “chặt” hơn dự thảo
Tại khoản 6, điều 8, Nghị định 126/2020 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế quy định về các loại thuế, khoản thu khai quyết toán năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.
Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm.
Cụ thể, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý III đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách Nhà nước.
Với quy định này, trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập quý I, II, III thấp nhưng quý IV tăng, đặc biệt tăng đột biến, khiến tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm thấp hơn 75%, sẽ dẫn đến bị phạt chậm nộp.
TS Lương Văn Tuấn, giảng viên luật (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, trước đó dự thảo lấy ý kiến chỉ đề cập trường hợp người nộp thuế không thuộc diện lập báo cáo tài chính quý.
Căn cứ kết quả kinh doanh quý, người nộp thuế tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quý và nộp tiền vào ngân sách Nhà nước nhưng phải bảo đảm số tiền tạm nộp mỗi quý không thấp hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm chia đều cho 4 quý không thấp hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm chia đều 4 quý từ 80% trở lên.
Còn trường hợp thấp hơn thì người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch thấp hơn đó.
Gây khó, tận thu và dồn ép doanh nghiệp?
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ triền miên nên hoạt động sản xuất kinh doanh 3 quý đầu năm của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết, các doanh nghiệp gần như hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, dẫn đến thu nhập thấp hoặc âm.
Quý IV là quý mang tính chất sống còn nên các doanh nghiệp sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực. Việc tính toán tìm cách để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hay hoạt động thế nào cho hiệu quả trong quý IV đã khiến doanh nghiệp đau đầu.
ThS Nguyễn Thị Ngoan (Hội Tư vấn thuế Việt Nam), Công ty Dịch vụ kế toán doanh nghiệp Lead cho biết: Trước đây, đến hết quý IV doanh nghiệp mới cần nộp đủ 80% mà giờ quý III đã yêu cầu nộp đủ 75% của cả năm thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ bị phạt. Quy định này vô hình trung sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đã nộp đúng số thuế thu nhập trên lợi nhuận của 3 quý đầu năm, quý IV doanh nghiệp làm sao đã biết được chắc chắn lợi nhuận là bao nhiêu để nộp trước cho đủ 75%. Khi quy định này ban hành thì tạm nộp thuế không đủ là sẽ bị tính tiền phạt ngay khiến doanh nghiệp rơi vào thế bí.
Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ kế toán Nguyễn Thị Mơ, thành viên của BNI Hà Nội cho rằng, đây là một điều hết sức vô lý. Bởi thông thường, thời điểm cuối năm các doanh nghiệp tập trung vào phát triển sản xuất kinh doanh để đạt hoặc vượt mức kế hoạch đặt ra.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng bị phạt được quy định trong Nghị định 126/2020. Như vậy, doanh nghiệp càng nỗ lực sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm càng dễ vi phạm quy định này.
Điều mà TS Lương Văn Tuấn, giảng viên Luật (Học viện Phụ nữ Việt Nam) lo ngại là thời điểm Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 nên chưa rõ cơ quan thuế có áp dụng quy định này cho toàn bộ năm 2020 hay không.
Bởi ngày 30/10/2020, doanh nghiệp đã nộp xong thuế 3 quý đầu năm 2020 khi Nghị định 126/2020 chưa có hiệu lực thi hành. Nếu tính tiền chậm nộp năm 2020 là đã hồi tố không đúng quy định của pháp luật.
Với quy định mới về thuế này, doanh nghiệp lại phải đau đầu tính toán đến mức độ chính xác thu nhập của năm là bao nhiêu nếu không muốn tính tiền chậm nộp. Điều này khiến doanh nghiệp mất động lực sản xuất kinh doanh vào quý cuối năm.
Vì vậy, TS Lương Văn Tuấn kiến nghị, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, không nên đưa điều khoản áp dụng điều khoản thuế thu nhập tạm nộp 3 quý đầu năm không thấp hơn 75% thuế cả năm.
Bởi luật cho phép doanh nghiệp tự tính và tự chịu trách nhiệm nên có thể cơ quan quản lý đang lo ngại doanh nghiệp để lại tiền thuế mà chưa đóng ngay và chẳng khác nào cơ quan quản lý đang tận thu số thuế tạm tính đó.