Nghị định 117/2020/NĐ-CP: Nhân viên bia rượu - sếp bị phạt

GD&TĐ - Mức phạt về sử dụng rượu, bia, thuốc lá tăng mạnh từ ngày 15/11 khi Nghị định 117/2020-NĐ-CP có hiệu lực. Vấn đề dư luận quan tâm là làm thế nào để thực thi hiệu quả chứ không chỉ hô hào trên giấy?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phạt đến 5 triệu nếu không treo bảng “cấm hút thuốc”

Nghị định 117/2020/NĐ-CP vừa ban hành có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu bia và thuốc lá. Theo đó, tăng mức phạt hút thuốc lá tại nơi bị cấm. Phạt sếp nếu để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc.

Cụ thể, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng với người đứng đầu với hành vi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan tổ chức. Không tổ chức thực hiện quy định cấm uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc. Hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm bị phạt 200 - 500 nghìn đồng thay vì 300 nghìn đồng như trước đây. Không treo bảng “Cấm hút thuốc” ở địa điểm cấm hút thuốc bị phạt 3 - 5 triệu đồng.

Theo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, lâu nay đã có những ý kiến cho rằng chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá. Nhưng quy định mới tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt đối về thuốc lá, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng.

Trước đó, chiều 9/11 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 117 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, một số quy định cũ chưa bảo đảm tính khả thi. Khó xác định hành vi vi phạm, mức phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe, thẩm quyền xử phạt chưa được phân định cụ thể.

Chấm dứt phạt trên giấy?

Nội dung Nghị định là tốt nhưng thực thi thế nào? Bởi không ít quy định pháp luật chỉ tồn tại trên giấy không phải do chế tài mà thiếu tính thực thi.

Theo TS.BS Nguyễn Thái An (Bệnh viện 30-4, TPHCM), cần phải tích cực tuyên truyền về tác hại của hút thuốc và uống rượu, bia tới mọi người. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh và tử vong cao. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn gây hại cho người xung quanh. Khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành nguyên nhân gây các bệnh hiểm nghèo.

Còn rượu bia là thức uống khá được ưa chuộng trong các cuộc vui. Tuy nhiên, tác hại của việc lạm dụng rượu bia chưa hẳn nhiều người đã biết. Ngoài việc gây bệnh, rượu bia còn là tác nhân làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội.

Theo TS Lương Văn Tuấn, Giảng viên Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam, tại Luật Giáo dục 2019 cũng quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục đó là hút thuốc, uống rượu bia. Do vậy, cần việc đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, tác hại uống rượu bia trong trường học. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá, tác hại do uống rượu bia đối với sức khoẻ và môi trường sống của con người.

Với nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện, TS Lương Văn Tuấn ủng hộ nghiêm cấm hút thuốc và uống rượu, bia trong trường học. Các trường học nên quan tâm, triển khai thực hiện thông qua các hình thức như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, ban hành quy định không hút thuốc là trong khuôn viên, đưa nội dung thực hiện vào đánh giá thi đua tập thể.

“Tăng mức xử phạt và quy trách nhiệm cụ thể là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, mọi quy định hay luật lệ thực thi hiệu quả được đều do con người. Mỗi cá nhân đủ nhận thức và có ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng sẽ giúp các quy định phát huy tác dụng. Cần thiết truyền dạy kiến thức về tác hại của rượu bia, thuốc lá cho học sinh ngay từ lứa tuổi mầm non với những bài học đơn giản nhất. Đây không phải chỉ là vấn đề bảo vệ sức khoẻ mà nó còn là văn hoá của người sử dụng”, TS Lương Văn Tuấn nêu quan điểm.

Còn theo chia sẻ của ThS Nguyễn Mạnh Tiến, Giảng viên Trường Cao đẳng Đường sắt, đặc thù trường nghề nên nhiều sinh viên nam hút thuốc, uống rượu bia. Từ khi có luật, ThS Nguyễn Mạnh Tiến đã đề nghị nhà trường thực hiện chấm điểm rèn luyện đối với học sinh, sinh viên vi phạm việc hút thuốc, uống rượu bia trong trường. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, chào cờ, sinh hoạt lớp giúp các em hiểu được những tác hại và cách bỏ thuốc lá. Tại các khu giảng đường, phòng học, khu làm việc của cán bộ, giảng viên đều treo biển cấm hút thuốc lá.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các em học sinh, sinh viên, ThS Nguyễn Mạnh Tiến đề xuất nhà trường đưa nội dung về phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên, quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường. Đồng thời, tổ chức cho giảng viên, học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của uống rượu, bia.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và tác hại của uống rượu bia đạt kết quả cao, các hình thức xử phạt thực thi cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội. Hãy từ bỏ hút thuốc lá và từ chối rượu bia trước khi quá muộn, đó là lời cảnh tỉnh cho những ai đang sử dụng như một thói quen. Đây là một việc làm cần thiết, đặc biệt với giới trẻ tương lai để có một cuộc sống khoẻ mạnh và xây dựng một xã hội văn minh, an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.