Cho phép dùng "bằng chứng" phạt nguội hành vi ép người khác uống rượu bia

GD&TĐ - Nội dung xử phạt hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc uống rượu bia trong Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề đặt ra là cách nào xác định được các hành vi định tính này? Cơ quan nào có quyền xử phạt?

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo nghị định mới, các hành vi: ép buộc người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập, uống rượu bia tại địa điểm không được uống… sẽ bị phạt hành chính

Tại điều 114 của nghị định này, lần đầu tiên cho phép sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để quay phim, ghi hình... xử phạt vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm, uống rượu bia tại địa điểm cấm, vi phạm về khuyến mãi, quảng cáo rượu bia, vi phạm của người đứng đầu trong phòng chống tác hại rượu bia, vi phạm của người kinh doanh rượu bia...

Chị Mai Lan (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Chồng tôi làm nghề lái xe, cơ bản là ý thức không uống bia rượu vì công việc. Tuy nhiên, đôi khi rảnh rỗi cũng gặp gỡ bạn bè và uống bia rượu. Nghị định 100 nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe rất có tác dụng. Tự cá nhân cũng có ý thức hơn để đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng thời tránh được mức phạt rất cao về kinh tế. Tôi cũng mong quy định xử phạt hành vi ép người khác uống rươụ bia sớm được áp dụng trong thực tế để hạn chế được những hệ luỵ do người có nồng độ cồn trong người gây ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi “ép” người khác uống rượu bia rất khó xác định bởi nó thiên về định tính, không dễ đo đếm. Bởi vậy, để áp dụng hiệu quả vào đời sống, cần quy định cụ thể và chi tiết hơn.

Cùng với đó, việc xử phạt sẽ do cơ quan nào thực hiện là vấn đề cần được quy định cụ thể. Nên giao cho cơ quan y tế, công thương, hay giao cơ quan nội vụ, công an, hay chính quyền địa phương?... 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: "Cần mở rộng thêm đối tượng được quyền xử phạt, bởi nếu chỉ giao cho một, hai đơn vị thì không thể làm đồng bộ được. Đặc biệt, phải triển khai quyết liệt, tránh đầu voi đuôi chuột, lúc đầu ra quân rầm rộ, rồi sau đó lại đi vào quên lãng, dẫn đến luật bị mai một, kém hiệu quả."

“Cần rút kinh nghiệm từ  khó khăn từng gặp khi thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Đó là khi xử phạt không có hình ảnh, chứng cớ kèm theo nên không thể phạt được người vi phạm. Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế  vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành có xử phạt vi phạm về rượu bia, đã cho phép sử dụng hình ảnh, clip làm chứng cớ để "phạt nguội" như khi xử phạt các vi phạm về an toàn giao thông. Đây là bước tiến bộ. Tuy nhiên, các quy định cần cụ thể hoá các nội dung từ khâu xác định hành vi. Cùng với đó, cần thiết nêu cả hậu quả của hành vi ép người khác uống rượu và các mức phạt cụ thể. Quy định càng chi tiết, càng dễ thực hiện”, Luật sư Phạm Quang Xá (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm.

Từ ngày 15/11/2020, quy định trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính phòng chống tác hại rượu bia bắt đầu có hiệu lực.

Trong đó có nghị định xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt tiền tối đa với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng.

Nghị định này cũng nêu rõ mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi uống rượu bia. Hành vi uống rượu bia tại địa điểm không được phép, xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu bia sẽ bị phạt mức từ 500.000 tới 1 triệu đồng.

Hành vi ép buộc người khác uống rượu bia hoặc uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, học tập, giờ nghỉ giữa giờ sẽ bị phạt hành chính 1-3 triệu đồng.

Hành vi bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử nhưng không đáp ứng các quy định của pháp luật sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng, đồng thời có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu bia có thời hạn 1-3 tháng. Các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại rượu bia cũng đều bị phạt mức cao.

Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia, để tình trạng uống rượu bia trong, giữa giờ làm việc cũng bị phạt tiền mức 3 - 5 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.