Nghị định 116: Cú hích cho đào tạo giáo viên và những băn khoăn

GD&TĐ - Nghị định 116/2020/NĐ-CP (NĐ116) quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tạo cú hích cho các trường đào tạo giáo viên.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực tập. Ảnh tư liệu chụp trước ngày 27/4/2021.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực tập. Ảnh tư liệu chụp trước ngày 27/4/2021.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều trường cũng bày tỏ những băn khoăn trong việc đặt hàng của địa phương và thu hồi kinh phí đào tạo.

Tăng sức hút cho các trường sư phạm

Tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức, đại diện lãnh đạo các trường sư phạm đều nhận định, sức hút của ngành sư phạm đã tăng lên nhờ chính sách hỗ trợ mới theo Nghị định 116. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành tăng cao, nhiều ngành “kén chọn” đã tuyển sinh được người học. Các trường đạt mức chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn, đồng thời chất lượng đầu vào cũng có sự cải thiện được thể hiện rõ qua điểm chuẩn năm 2021.

“Sau khi các em trúng tuyển và theo học, nhà trường sẽ theo dõi tiến độ học tập và báo cáo về UBND các tỉnh (nơi đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí). Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ báo kết quả học tập với cấp tỉnh đã hỗ trợ hoặc đơn vị hỗ trợ khác để được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm trong ngành giáo dục, phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà sinh viên đã theo học và theo quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Như vậy, việc hỗ trợ việc làm cho các em cũng được địa phương quan tâm, đây cũng là yếu tố tác động đến việc làm ngay khi ra trường…”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn  nhận định.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), nhiều điểm mới trong Nghị định 116/NĐ-CP được đánh giá cao. Trong bối cảnh hiện tại, Nghị định 116/NĐ-CP đã tăng số nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên của trường năm học 2021 - 2022. HCMUTE có 20 ngành đào tạo giáo viên đều tuyển sinh đủ chỉ tiêu, bên cạnh đó có cả những ngành mới đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, năm 2020, trường chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu của các ngành đào tạo giáo viên, 4 ngành không thể mở lớp đào tạo. Tuy nhiên, với chính sách mới, năm 2021, trường có duy nhất ngành sư phạm công nghệ không thể mở, các ngành đào tạo giáo viên khác đều tuyển đủ chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký cao gấp hai lần so với năm 2020.

Theo TS Từ Quang Tân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – Đại học Thái nguyên, so với 3 năm trước, năm 2021 nhà trường tuyển sinh vượt 10% so với chỉ tiêu Bộ GD&ĐT phê duyệt. Một số ngành như sư phạm vật lý, sư phạm hóa học trước đây khó tuyển sinh nay tỷ lệ thí sinh đăng ký đã tăng lên cao.

TS Đinh Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ tại tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
TS Đinh Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ tại tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Những băn khoăn… về đơn đặt hàng

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của Nghị định 116, một số trường sư phạm cũng nêu lên những vấn đề vướng mắc, trăn trở khi thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên.

“Vấn đề đặt ra là chưa tìm thấy khớp nối giữa nhu cầu đào tạo và tuyển dụng, đặc biệt hoạt động tuyển dụng ở các thành phố lớn luôn thu hút nhân lực nên địa phương không có nhu cầu đặt hàng. Vì vậy, phải có sự nhất quán giữa các địa phương khi tham gia đặt hàng theo tinh thần Nghị định 116”, ThS Nguyễn Vinh San nhận định.

Theo ThS Nguyễn Vinh San – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, lúc đầu, nhà trường có hai địa phương đặt hàng nhưng về sau một địa phương xin rút. Địa phương còn lại chỉ đặt hàng 3 chỉ tiêu cho ngành sư phạm công nghệ, tuy nhiên ngành học này nhà trường không mở được. Như vậy, năm 2021, nhà trường không có sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng, sinh viên nhận hỗ trợ học phí bằng nguồn nhu cầu xã hội.

Trong khi đó, theo TS Đinh Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), năm 2021, nhà trường nhận được đơn đặt hàng của một địa phương với 6 chỉ tiêu nhưng sau đó không nhận được phản hồi của địa phương đó.

“Trong tương lai, nhiều địa phương cũng có thể không đặt hàng vì nhiều lý do: Trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn, từ kinh phí chi trả, theo dõi quá trình học tập của sinh viên đến việc tuyển dụng, thu hồi kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành giáo dục.

Tiếp đó là nguồn tuyển của các địa phương không thiếu, một địa phương có thể tuyển dụng giáo viên mà địa phương khác đã bỏ kinh phí đào tạo. Nguồn tuyển sinh của địa phương không chỉ là khóa sinh viên tốt nghiệp trong năm đó mà còn cả những sinh viên đã tốt nghiệp ở nhiều năm trước”, TS Đinh Anh Tuấn chia sẻ.

Còn phía Trường ĐH Cần Thơ cho biết, nhiều địa phương gửi văn bản tới trường chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên, trong khi 2 địa phương đặt hàng hiện nay vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên.

Từ thực tế vận dụng trong thời gian qua, ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo HCMUE cho rằng: Để Nghị định 116 được thực hiện hiệu quả, trong bối cảnh hiện nay, các trường cần có sự đa dạng trong phương thức tuyển sinh; tăng nguồn lực và đảm bảo chất lượng để có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh; tăng mức độ cạnh tranh thông qua bảo đảm chất lượng như cam kết đầu ra, sinh viên ra trường đúng thời hạn... Ngoài ra, các trường cần phối hợp của địa phương trong tổ chức đào tạo, nhất là thực hành, thực tập sư phạm với mô hình giám sát cụ thể, bảo đảm đào tạo theo nhu cầu xã hội; tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh về trách nhiệm, quyền lợi của người được đào tạo.

Bên cạnh đó, việc thu hồi kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành Giáo dục cũng là băn khoăn của nhiều trường đào tạo giáo viên hiện nay. Cụ thể là vấn đề thu hồi kinh phí đối với sinh viên bỏ học giữa chừng, sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí hay sinh viên có nhu cầu công tác trong ngành nhưng không xin được việc làm; trách nhiệm thu hồi kinh phí khi sinh viên nhận hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT thuộc về ai… Theo ý kiến các trường, những nội dung này vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết.

Chia sẻ của GS.TS Huỳnh Văn Sơn, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc chuẩn bị một nghị định hiệu quả là vấn đề trên bình diện khoa học và pháp lý. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đòi hỏi có sự tham gia của các địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các trường đào tạo giáo viên cũng như người học và các bên liên quan.

“Năm 2021 cũng là năm đầu tiên các trường thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo Nghị định 116, thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nhận thức của học sinh, sinh viên, phụ huynh về quyền lợi, trách nhiệm của người học theo quy định mới vẫn chưa đầy đủ, thống nhất…” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.