Giáo viên, cán bộ quản lý mầm non vui mừng trước Nghị định 105

GD&TĐ - Theo chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên, việc Chính phủ vừa ban hành định 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non là hết sức cần thiết và kịp thời trong giai đoạn hiện nay.

Cô giáo chăm sóc trẻ tại nhóm trẻ khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ.
Cô giáo chăm sóc trẻ tại nhóm trẻ khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ.

Đông đảo các giáo viên và cán bộ quản lý mầm non cho rằng Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề “nóng” của bậc học này tại các địa phương.

Trong đó có vấn đề trường mầm non ở các khu công nghiệp; chế độ, chính sách cho học sinh mầm non; chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non… Đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm qua, cán bộ quản lý, giáo viên đã kiến nghị và đến nay chính sách đã quan tâm, thực thi.

Tại TP Cần Thơ, đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi hay tin Chính phủ ban hành Nghị định số 105 quy định một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non, cán bộ quản lý, nhất là giáo viên mầm non rất vui mừng, đặc biệt, là giáo viên, cán bộ quản lý ở địa bàn có khu công nghiệp lớn như quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cấp học mầm non trên địa bàn quận hiện có 10 trường công lập, 14 trường tư thục và 20 nhóm trẻ. Trong đó, địa bàn khu công nghiệp có 1 trường công lập, 2 trường tư thục và 4 nhóm trẻ.

Các cơ sở giáo dục này đảm bảo nhu cầu gửi con của hàng chục ngàn công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Nóc và các xí nghiệp, nhà máy khu vực lân cận.

Trao đổi về Nghị định 105 của Chính phủ, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết: Đây là chính sách hết sức kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Khi chính sách được triển khai và thực thi sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc của bậc học mầm non.

Theo bà Phương, Nghị định đã tập trung, quan tâm đến chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển Giáo dục mầm non, chính sách đối với trẻ mầm non và Chính sách đối với giáo viên mầm non. Qua đó tạo điều kiện phát triển cơ sở giáo dục mầm non, giúp giải quyết nhu cầu gửi con của đối tượng phụ huynh là người lao động, đặc biệt là công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây là chính sách phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của người lao động với mong muốn có chỗ học ổn định cho con.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quan tâm chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động; Chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

Cô Lê Trần Gia Hân, nhóm trẻ ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết điều cô quan tâm nhất trong Nghị định 105 là chính sách cho trẻ và chính sách cho giáo viên mầm non.

Theo cô Hân, đối với trẻ mầm non, Nghị định đã quan tâm đến chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Đặc biệt, Nghị định đã có chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp… Những quy định này sẽ có tác động rất lớn, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ