Cô Trần Thùy Linh (sinh năm 1987, được học trò biết tới với tên gọi cô giáo Cindy) là nữ giáo viên có phương pháp giảng dạy độc đáo, truyền cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ. Bén duyên với nghề sau khi tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội và học tập ở Anh trở về, trong suốt hành trình giảng dạy, cô giáo Cindy có nhiều học trò đỗ vào các trường THCS chất lượng cao.
Đấu tranh để được theo nghề
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống y khoa, bố và mẹ của Linh đều là bác sỹ. Đặc biệt bố của cô là Phó Giáo sư, thầy thuốc Ưu tú nên luôn mong mỏi con nối nghiệp gia đình. Chỉ có điều ngay từ khi học lớp 6, Linh gặp được một người thầy đặc biệt đã truyền cho cô một niềm đam mê bất tận với tiếng Anh.
Vì thế cho dù đã thi đỗ và học chuyên Sinh cấp THPT theo đúng nguyện vọng của gia đình nhưng đến năm lớp 11, Linh đã có một quyết định mang tính bước ngoặt, đó là thuyết phục bố mẹ cho phép cô dừng việc học chuyên Sinh vì “không mấy hứng thú và dường như đó không phải nơi mình muốn thuộc về”.
“Bố mẹ nói rằng, nếu đi theo con đường này, tôi sẽ phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình”, Linh nhớ lại. Nhưng vì muốn đi theo những điều bản thân đam mê, Linh chấp nhận.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Linh thi đỗ vào khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, gặp một cô giáo người Mỹ, Linh “sốc” vì không hiểu gì.
“Các bạn ở Hà Nội phát âm nghe rất hay và hiểu hết những điều cô giáo nói, nhưng tôi lại không nghe được bất cứ điều gì”. Cú sốc này khiến Linh “stress” một thời gian vì khi học phổ thông, cô cho rằng mình học khá tốt môn tiếng Anh.
“Không chỉ riêng tôi, nhiều người bạn cùng phòng ký túc xá cũng rất vật vã với môn học này. Tôi từng tìm đến nhiều trung tâm nổi tiếng nhưng hầu hết đều không có lộ trình phù hợp và chiều sâu”. Sau một thời gian, Linh quyết định dừng hết để tự học.
Sau đó, Linh đi mua đài, tai nghe, chép lại lời các bài hát của ban nhạc mình thần tượng. Liên tục nghe và chép trong vòng 1 tháng, khả năng của Linh cải thiện đáng kể.
Cô Linh luôn tạo hứng thú cho học trò thông qua các bài học. |
Hoàn thành 4 năm đại học, được tiếp cận với văn hóa và ngôn ngữ yêu thích, Linh quyết tâm “phải đi ra biển lớn” để trải nghiệm thực tế.
“Thời điểm ấy, một người anh họ khuyên tôi rằng tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ giao tiếp, cần phải học một chuyên ngành cụ thể hơn. Vì thế, tôi quyết định sang Anh theo học chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế”.
Theo đuổi một chuyên ngành lạ lẫm, lần này, Linh tiếp tục rơi vào vòng xoáy mông lung. Suốt một năm “đánh vật” với những thứ không đam mê, điều duy nhất khiến Linh thích thú là việc được đi và trải nghiệm.
“Nếu cuối tuần các bạn ở nhà, tôi lại cố gắng đi nhiều nhất có thể để học thêm về ngôn ngữ, văn hóa”. Trong 1 năm, Linh cũng đến được 5 nước châu Âu.
Trở về nước và trúng tuyển làm giảng viên dạy tiếng Anh tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó chuyển công tác về Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong 5 năm, Linh cảm thấy yêu thích công việc này. Vì thế, nữ giảng viên quyết định học tiếp thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh (Master of TESOL) tại trường ĐH Victoria (Úc).
Thời điểm này, chồng cô – cũng là một giảng viên đại học đang hoàn thành chương trình tiến sĩ tại nước ngoài. Một mình vừa học, vừa làm và chăm con chưa đầy 1 tuổi, sau nhiều lần đấu tranh, cuối cùng Linh quyết định xin nghỉ công việc giảng viên.
Trở thành người truyền cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ
Sau khi nghỉ việc, Linh bắt đầu dạy thêm tiếng Anh tại các trung tâm. Cô dần khẳng định vị thế bản thân khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người học, dù là trẻ em, người lớn mất gốc hay đang luyện thi IELTS, TOEIC… Một thời gian sau, Linh được mời về làm Giám đốc học thuật cho một trung tâm tiếng Anh nổi tiếng ở Hà Nội.
Cô Linh từng là giảng viên dạy tiếng Anh tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó chuyển công tác về Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. |
Tiếp xúc với nhiều đối tượng khiến Linh nhận ra một số vấn đề chung của người Việt. “Hầu hết mọi người đều chưa biết cách học và khai thác tài liệu, do đó mới chỉ học những lý thuyết bề nổi chứ không hiểu sâu bản chất vấn đề”.
Từ những trăn trở này, Linh quyết định xây dựng một bộ giáo trình riêng dạy cho trẻ từ lớp 3 đến 5 vào năm 2019. Theo cô, đây là đối tượng phù hợp để xây dựng nền tảng, gốc rễ.
Giai đoạn đầu, cũng có phụ huynh rời bỏ lớp, nhưng Linh không vì điều đó mà nản. “Tôi hiểu học sinh cần gì. Các con không chỉ học tiếng Anh mà cần phải biết cách tự học và nghiên cứu”.
Linh học thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh (Master of TESOL) tại trường ĐH Victoria (Úc). |
Nữ giáo viên cũng cho rằng, để dạy học sinh từ bản chất, thầy cô phải trở thành người “lấp chỗ trống”. Với những học sinh giỏi, điều này càng khó hơn vì để xóa những thứ thuộc về trí nhớ dài hạn và thay thế cái mới cần khoảng thời gian rất dài.
Trên hành trình phát triển sự nghiệp, điều khiến Linh hài lòng nhất là đã thay đổi được suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh về cách tiếp cận môn tiếng Anh.
“Nhiều phụ huynh từng suy nghĩ, đi học là phải luyện đề, có như vậy mới thi đỗ vào trường chuyên chất lượng cao. Nhưng giờ đây, suy nghĩ của phụ huynh đã phần nào thay đổi khi tiếp cận với phương pháp giảng dạy của tôi”.
Học sinh của cô Linh nhiều năm nay đều thi đỗ vào các trường THCS chất lượng cao. Khi lên cấp 2, các em được thầy cô đánh giá nắm rất chắc ngữ pháp và có phương pháp học tiếng Anh hiệu quả.
Để đạt được những điều này, theo cô Linh chính nhờ vào cách dạy hướng đến việc xây dựng nền móng vững chắc. “Tôi tin rằng khi có nền tảng chắc chắn, đó sẽ là hành trang giúp học trò đi được đường dài với môn học này”, cô giáo trẻ nói.