Thay vì nóng giận, cáu gắt, bộ phận tuyển dụng nhân sự có thể chọn cách xử lý nhẹ nhàng mà không làm “mất điểm” trong mắt ứng viên.
Bị ứng viên cho “leo cây”
Kỹ năng xin việc thường ít được mọi người chú trọng, thế nhưng đây lại là kỹ năng mềm khá quan trọng mà không phải ai cũng có. Có người thì tự mò mẫm, học hỏi trên mạng xã hội. Nhiều người khác thì kỹ năng này được hình thành trong suốt quá trình làm thêm, cọ xát thời sinh viên. Và cũng chính vì thế mà thường xuyên xuất hiện những câu chuyện “dở khóc dở cười” trong các buổi phỏng vấn, xin việc hiện nay.
Hơn 3 năm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, chị Phạm Thị Thu Hoài (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng không ít lần rơi vào hoàn cảnh oái oăm. Chị Thu Hoài cho biết, có nhiều vị trí nhà tuyển dụng phải ngồi lọc hàng trăm, thậm chí cả nghìn hồ sơ mới tìm được một ứng viên như ý. Thế nhưng, đến ngày hẹn phỏng vấn ứng viên bỗng dưng “mất hút” mà không hề báo trước, không nghe điện thoại và cũng không trả lời email.
“Hồi đầu gặp phải trường hợp này, tôi bức xúc lắm. Thứ nhất không hoàn thành công việc, không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị cấp trên phàn nàn, đánh giá thấp. Bên cạnh đó, để nhận một ứng viên, tôi đã bỏ lỡ các ứng viên tiềm năng khác vì đã gửi email từ chối và phải bắt đầu tuyển dụng lại từ con số 0 tròn trĩnh”, chị Hoài thất vọng cho biết.
Tương tự, chị Đỗ Thị Tâm (29 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng có những trải nghiệm không mấy vui vẻ trong quá trình làm việc với ứng viên. Chị Tâm kể lại, công ty khi đó đang thiếu vị trí chăm sóc khách hàng, cũng không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm. Sau khi phỏng vấn nhiều ứng viên, chị Tâm quyết định chọn một bạn sinh viên vừa mới ra trường vì đánh giá cao thái độ lễ phép và khả năng ăn nói của ứng viên này. Bên cạnh đó, chị Tâm cũng muốn tạo điều kiện cho các bạn trẻ mới ra trường có thêm cơ hội để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm.
“Trao đổi xong xuôi, bạn ấy cũng bắt đầu nhận việc. Nhưng sau 4 ngày thử việc thì tôi không thấy bạn ấy đi làm nữa, gọi điện nhiều lần cũng không bắt máy. Vài ngày sau, bạn ấy gửi một email giải thích rằng công việc không phù hợp và không muốn làm nữa. Thế nhưng, tình cờ tôi biết được bạn ấy đã sang công ty khác làm việc với mức lương cao hơn”, chị Tâm kể lại.
Nhìn nhận đa chiều
Từng lỡ hẹn phỏng vấn với nhà tuyển dụng, chị Phạm Hương Trà (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có những chia sẻ “minh oan” về trường hợp của mình. Chị Trà cho biết, bản thân nhận được lời mời phỏng vấn từ một ngân hàng khiến chị rất vui mừng. Đến ngày hẹn, trên đường đi, chị Trà bị tai nạn xe. Trong lúc lộn xộn, điện thoại bị người đi đường lấy mất khiến chị Trà không thể liên lạc lại với nhà tuyển dụng. Đến tối hôm đó, chị Trà đã lập tức gửi email xin lỗi và mong muốn có thêm một cơ hội sau khi bình phục.
“Bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp cũng rất thiện chí, khiến tôi có cái nhìn rất thiện cảm với doanh nghiệp. Họ nhắn rằng tôi cứ nghỉ ngơi và sẽ sắp xếp buổi phỏng vấn vào một thời điểm khác. 2 tuần sau tôi tới phỏng vấn và được nhận vào làm việc. Vì vậy tôi nghĩ, đôi khi vì những lý do bất khả kháng, ứng viên không thể tới buổi phỏng vấn. Thế nhưng nếu có thiện chí và đưa ra lời giải thích hợp lý, các nhà tuyển dụng vẫn có thể cân nhắc”, chị Hương Trà chia sẻ.
Sau nhiều năm làm việc ở lĩnh vực tuyển dụng cho các doanh nghiệp, bà Trần Tú Quyên (43 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đã có những góc nhìn rất đa chiều về vấn đề “bùng” phỏng vấn của ứng viên. Theo bà Quyên, nhiều ứng viên không tới phỏng vấn hoặc tắt điện thoại có thể vì nhiều lý do khác nhau, bộ phận tuyển dụng nhân sự không biết chắc họ có gặp sự cố gì không. Vì vậy, không nên vội vàng đổ lỗi hay trách móc.
Bà Tú Quyên đưa ra lời khuyên, đối diện với tình huống này, các nhà tuyển dụng chắc chắn không tránh khỏi sự bực mình. Tuy nhiên không nên nóng nảy mà cần tiếp cận một cách nhẹ nhàng. Thông thường, bà Tú Quyên chọn cách gửi tin nhắn hoặc email với nội dung: “Tôi hy vọng bạn không gặp phải vấn đề nghiêm trọng và mong bạn vẫn ổn. Nếu cần hẹn lại lịch, bạn sớm thông báo nhé”. Cách tiếp cận này thể hiện sự chuyên nghiệp, quan tâm và giữ cho mối quan hệ tuyển dụng không bị “đóng băng” hoàn toàn.
“Về nguyên nhân chủ quan, có thể ứng viên nóng vội tìm việc nên rải hồ sơ ở rất nhiều doanh nghiệp. Điều này dẫn tới việc các bạn không nhớ và sắp xếp được lịch hẹn phỏng vấn. Một lý do khác cũng khá phổ biến là ứng viên đã tìm được công việc phù hợp ở một doanh nghiệp khác. Song, việc không phản hồi mà cố tình không tới phỏng vấn, để nhà tuyển dụng chờ đợi là một việc làm bất lịch sự”, bà Quyên nhận định.
Theo bà Quyên, nếu ứng viên hoàn toàn không hợp tác, sau nhiều lần liên lạc mà vẫn không phản hồi thì không nên tiếp tục cố gắng liên lạc. Không phải ai cũng xứng đáng với sự nhiệt tình của người tuyển dụng. Đây là lúc bộ phận tuyển dụng cần chuyển hướng, tập trung vào những ứng viên tiềm năng khác.
“Một trong những cách giảm bớt tình trạng ứng viên bỏ hẹn phỏng vấn chính là rút ngắn thời gian tuyển dụng một cách tối đa. Nếu phát hiện ra những ứng viên tiềm năng, hãy cố gắng sắp xếp một buổi phỏng vấn gần nhất có thể cho riêng những ứng viên này. Nếu cứ chần chừ, cố đợi nhận hết hồ sơ thì có thể sẽ bỏ lỡ ứng viên đó vì họ đã tìm được cơ hội mới.
Ngoài ra, ở một số trường hợp đặc biệt, các doanh nghiệp có thể linh hoạt sắp xếp một buổi phỏng vấn trực tuyến. Cuối cùng, nhằm giúp ứng viên ghi nhớ lịch phỏng vấn hay sắp xếp công việc của mình, nhân viên tuyển dụng có thể liên hệ trước với ứng viên tầm một đến hai ngày để họ chủ động sắp xếp”, bà Trần Tú Quyên đưa ra lời khuyên cho các nhà tuyển dụng.