Tiễn rồng, đón rắn
Trái với đúc kết của người xưa, rằng “năm Thìn năm Tỵ, chị chẳng nhìn em”, giới nghệ sĩ Việt vẫn luôn nuôi dưỡng sự đoàn tụ qua các sự kiện nghệ thuật, không chỉ để gặp gỡ, kết nối với công chúng mà còn tạo động lực sáng tạo, thúc đẩy đời sống văn hóa thêm phong phú trước thềm năm mới.
Trong chuỗi sự kiện “tiễn Rồng đi, đón Tỵ đến”, nhóm họa sĩ G39 lại cùng bày triển lãm thường niên có chủ đề “Tết Tỵ” vào ngày 28/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, như một cuộc hội tụ những tinh tuý sau một năm miệt mài sáng tạo để đón linh vật mới.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương - giám tuyển triển lãm cho rằng, Tỵ là một trong 12 con vật biểu tượng của năm, có một ý nghĩa đặc biệt mà 11 con vật kia không có. Dù là năm hay tháng, ngày, giờ thì 4 cữ này cũng nằm trong vòng tuần hoàn thập nhị địa chi.
Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thủy thần. Chính vì sợ rắn nên con người đã thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn để mong rắn bảo vệ cho mình. Có thể tìm thấy điều này trong các câu chuyện cổ tích, huyền thoại, phong tục, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình.
Triển lãm “Tết Tỵ” trưng bày 80 tác phẩm đa dạng về loại hình và chất liệu, từ tranh bột màu, xé giấy, khắc gỗ, acrylic, sơn dầu, sơn mài đến các tượng gốm, tượng sắt. Ngoài hình tượng rắn trong tranh - tượng của Lê Thiết Cương, hay ở các bình - lọ gốm của Nguyễn Hồng Quang, các tác phẩm đã khắc họa bức tranh thiên nhiên rộn ràng, thắm sắc.
“Tết Tỵ” đưa người xem đến làng quê thanh bình của Nguyễn Thanh Quang, ngắm tĩnh vật rực rỡ của Bình Nhi, lạc vào cảnh sắc hoa mai, hoa mận vùng sơn cước của Vương Linh, hân hoan trẩy hội cùng Việt Anh và Hoàng Phương Liên, nô nức với không khí lễ hội của Nguyễn Quốc Thắng…
Trước đó, nhóm 6 hoạ sĩ: Vũ Thái Bình, Lê Thế Anh, Cấn Mạnh Tưởng, Lê Thanh Bình, Nguyễn Cao Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuấn cũng chọn thời điểm cuối năm để tổ chức triển lãm “Anh Em Vol. 3”, như một dịp để các hoạ sĩ tương tác, chia sẻ góc nhìn nghệ thuật với công chúng.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm “Ở đây & Bây giờ” của cố hoạ sĩ Đồng Huy Biên bắt đầu diễn ra từ ngày 31/12, giới thiệu 30 tác phẩm sơn mài do hoạ sĩ Đồng Huy Biên sáng tác về những chủ đề gần gũi, dung dị xoay quanh cuộc sống thường ngày, con người và phong cảnh.
Tranh của Đồng Huy Biên như thêu dệt cả bốn mùa, ấm mộc, nét vẽ buông lơi đến đa cảm. Đặc biệt, màu xanh trong các tác phẩm của hoạ sĩ trong như hư không, gợi niềm ưu tư, khắc khoải. Triển lãm là tấm chân tình của người vợ dành cho người chồng hoạ sĩ quá cố, bởi “những tác phẩm anh để lại trên đời này là ý nghĩa tinh thần vô cùng quý giá với gia đình và bạn bè”.
“Bàn tiệc” nghệ thuật cuối năm
Tiệc thơ “Se sẽ chào năm mới” nằm trong chuỗi dự án “Ơ kìa Hà Nội”, do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng những người yêu văn hóa cũng được tổ chức vào tối 30/12 tại Viện Goethe Hà Nội. Tiệc thơ đón năm mới được xem là nơi hội tụ và giao hoà của dân gian truyền thống cùng âm hưởng kinh điển phương Tây và phong vị đương đại với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ…
Trong năm 2024, dự án đã kết nối các thành viên từ nhiều câu lạc bộ, hội nhóm của người khiếm thị, cùng nhau khám phá sức mạnh đa giác quan trong nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng.
Các hoạt động bao gồm sáng kiến về phòng đọc màu xanh “Sờ chữ nghe thơ”, toạ đàm “Như thể ai đó mù đang ngắm trăng” về thơ Haiku, workshop chữ nổi “Mật thư Braille”, tour thơ kết hợp tắm rừng “Se sẽ đi vào rừng”, cuộc thi sáng tác thơ Haiku.
Cùng thời gian này, chương trình “biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ” thuộc đề án xúc tiến du lịch của Bộ VH,TT&DL cũng được Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện và trình diễn tại Rạp Hồng Hà vào tối 30 và 31/12. Chương trình với hai sự kiện chính, gồm hoạt động tương tác tại sảnh và biểu diễn chương trình nghệ thuật trên sân khấu.
Chương trình là cơ hội để khán giả được thưởng thức những trích đoạn Tuồng đặc sắc, đồng thời đắm chìm trong không gian văn hóa lâu đời của Hà Thành phồn hoa. Trong sân khấu tráng lệ, trích đoạn “Kim Lân qua đèo” và “Ôn Đình chém Tá” được tái hiện.
Khi vua lâm bệnh, gian thần thừa cơ cướp ngôi, giam Thứ phi và Hoàng tử. Trung thần Kim Lân và Linh Tá dốc lòng bày kế cứu chủ, nhưng mưu sự bại lộ. Kim Lân liều mình đưa chủ thoát thân, Linh Tá ở lại cầm chân Tạ Ôn Đình. Thế giặc mạnh, Linh Tá bị chém rơi đầu nhưng không ngã quỵ mà chắp lại đầu mình, hiến dâng thân xác biến thành ngọn đuốc soi đường cho Kim Lân đưa chủ về thành Sơn Hậu.
Tuồng là một nét đặc sắc không thể thiếu của văn hóa dân tộc, lưu lại ở vùng đất Thăng Long, làm giàu thêm kho tàng di sản. Trải qua vạn mối thăng trầm, Tuồng đất kinh kỳ vẫn bảo tồn nguyên giá trị văn hóa - lịch sử, để rồi “sáng đèn” hoà cùng văn hóa đương đại, hình thành hệ giá trị mới đậm đặc bản sắc dân tộc.
Để khởi đầu một năm 2025 đầy hứng khởi và cảm hứng sáng tạo, Đỡ Đần và Lân Tinh Foundation cũng khởi xướng và tổ chức “bắt mạch” về sức khoẻ thị trường nghệ thuật. Đặc biệt các chuyên gia, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, Dương Thu Hằng, Trương Uyên Ly sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người mua nghệ thuật, với hi vọng đưa ra các kinh nghiệm, nhận định và quan điểm về việc làm sao để minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường nghệ thuật Việt Nam.
“Triển lãm thường niên lần thứ 10 của chúng tôi năm nay mang đến một phòng tranh rực rỡ đa dạng các tác phẩm trên nhiều đề tài khác nhau chứ không chỉ có mỗi rắn. Tiết Xuân đã ngoài cửa, gọi lòng người trở về. Với người nghệ sĩ cũng vậy, đón chờ một mùa mới, một xuân mới, một năm mới với những ấp ủ, dự định sáng tác, những ý tưởng, những tác phẩm mới”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương - giám tuyển triển lãm “Tết Tỵ”.