Nghệ thuật 'phi địa lý' nhìn từ Trần Trọng Vũ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Là thế hệ thứ hai sang Pháp - sau lứa họa sĩ Đông Dương, tác phẩm của Trần Trọng Vũ là điển hình sáng tạo nghệ thuật 'phi địa lý'.

Tác phẩm 'Bên trong khung hình'.
Tác phẩm 'Bên trong khung hình'.

Thừa nhận mình là “người không còn thuộc về một địa điểm duy nhất và cố định”, trong mỹ thuật hiện đại, Trần Trọng Vũ có thể xứng đáng đại diện cho phong thái và ý niệm sáng tạo “phi địa lý”.

Sáng tạo không có biên giới

Với hàng nghìn nghệ sĩ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, hoạ sĩ Trần Trọng Vũ không phải một cái tên xa lạ. Ông là con trai của cố thi sĩ Trần Dần và là chồng của nhà văn Thuận. Nhà toán học Ngô Bảo Châu từng sống 17 năm tại Paris, nhiều lần nhắc đến ông trong các bài viết như một người bạn lớn.

Từ khi nhà thơ Trần Dần qua đời (1997), Trần Trọng Vũ gần như chuyển hướng sáng tạo và quan niệm về nơi chốn. Sáng tạo nghệ thuật, với ông không còn gói gọn trong khuôn khổ ở Việt Nam, mà có thể ở bất cứ đâu. Tuy vậy, tính “phi địa lý” ấy lại càng khiến những tác phẩm ông vẽ đậm chất hồn Việt.

Trần Trọng Vũ sinh 1964 tại Hà Nội, ông là một trong số rất ít nghệ sĩ thị giác đương đại tiên phong và quan trọng của Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Năm 1989, ông đến Pháp để theo học bổng từ Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris.

Được giới chuyên môn đánh giá là một trong những họa sĩ đương đại hàng đầu tại Châu Âu, Trần Trọng Vũ là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được trao giải Pollock-Krasner 2011 - 2012, bởi Quỹ nghệ thuật Jackson Pollock - Lee Krasner tại New York (Mỹ). Đây là quỹ quốc tế uy tín chuyên hỗ trợ các nghệ sĩ có tài năng đã được công nhận.

Tác phẩm của ông bộc lộ sự bất an của hình ảnh và sự việc. Dù vẽ trên những mặt phẳng hai chiều, hay làm những hình ảnh khổng lồ ba chiều, ông đều chấp nhận sự can thiệp của những gì khó được thói quen chấp nhận. Ông cũng không muốn tác phẩm của mình là một giá trị bất di bất dịch, mà muốn người xem có thể cảm nhận theo cách khác nhau.

Tuy sống tại Pháp, nhưng Trần Trọng Vũ luôn dành thời gian trở lại Việt Nam trong khuôn khổ đào tạo các họa sĩ trẻ, tổ chức triển lãm cá nhân hoặc ra mắt sách. Sự chín muồi trong ngôn ngữ thể hiện, tính thời sự và tính quốc tế trong các sáng tác của ông luôn thu hút được sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật.

Năm 2019, triển lãm “Đã từng thấy như chưa hề thấy” của Trần Trọng Vũ diễn ra tại TP HCM đã thể hiện cốt cách của một nghệ sĩ gốc Hà Nội. Giản dị từ con người tới tác phẩm, không phô trương kỹ thuật nhưng phong cách lịch lãm và thâm trầm của người Hà Nội thì không thể giấu.

Trong số những tác phẩm mà Trần Trọng Vũ từng chia sẻ trên trang cá nhân, series tác phẩm thị giác trộn lẫn nhiếp ảnh và hội họa được làm trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 tại Paris. Đó là những tác phẩm tối giản hồi tưởng về ký ức Hà Nội - qua hình ảnh đám đông xe máy đứng ngắm một khuôn mặt cười.

Vẽ khi quá khứ đan xen

Họa sĩ Trần Trọng Vũ.

Họa sĩ Trần Trọng Vũ.

Họa sĩ Trần Trọng Vũ tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và tham gia giảng dạy tại đây từ năm 1982 tới 1989. Tác phẩm của ông được trưng bày và xuất hiện trong các bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Singapore, Bảo tàng quốc gia Việt Nam và các bộ sưu tập tư nhân trên toàn thế giới.

Với Trần Trọng Vũ, “nghệ thuật là phần không thể thiếu trong cuộc đời. Nó giúp cho tình yêu cuộc sống quay trở lại”. Cùng với triển lãm “Bồng bềnh chốn hư không” của nghệ sĩ Thuỷ Nguyễn diễn ra tại Pháp - Trần Trọng Vũ cũng trưng bày hơn 20 tác phẩm chọn lọc, được sáng tác từ năm 2002 đến năm 2022 trong triển lãm “Tôi & Moi”.

Không gian triển lãm đan xen giữa chữ và những gương mặt cười ngây ngô, vô tính cách đặt trên nền màu sắc rực rỡ chủ đạo đỏ và vàng. Hình ảnh và những ẩn dụ này lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuyên truyền của Liên bang Xô Viết từ đầu thế kỷ 20.

Trần Trọng Vũ lấy ra từ trong trí nhớ những gì còn lại ở nơi mình sinh ra. Mất ký ức về quê hương chính là mất đi chứng minh thư cá nhân của mình. Cái còn sót lại có thể là phỏng đoán về một vùng đất tưởng như đã quá rõ nhưng thật ra chưa từng biết.

Trưng bày tiếp diễn tại triển lãm là âm thanh của quá khứ vọng lại. Tuy nhiên, hoạ sĩ tập trung hơn vào quan sát cuộc sống quanh mình - tại một nơi xa lạ mà sau đây trở thành quê hương thứ hai. Người ta không thể sống mà không có quá khứ, nhưng đối với nghệ sĩ, quá khứ không đứng yên trong sự luyến tiếc.

Như đã thoát ly khỏi bộ nhớ của mình, Trần Trọng Vũ diễn tả lại sự biến động và trưởng thành của ký ức cùng với thực tại đang diễn ra. Các tác phẩm thể hiện hai thế giới đan nhau tạo nên những cảnh tượng hư cấu, đôi khi phi lý.

“Tôi & Moi” là một đường dẫn xuyên suốt dòng lịch sử, lèo lái giữa ký ức của tuổi trẻ, phóng chiếu cá nhân và câu chuyện gia đình. Tất cả được trưng bày như một sân khấu, tạo nên một không gian tương phản giữa những yếu tố tưởng chừng không hề liên quan nhưng lại bổ nghĩa tròn vẹn cho nhau. Với lối biểu hình châm biếm rất đặc trưng, nghệ sĩ ghi lại những trải nghiệm của mình bằng hàng loạt các biểu tượng đối lập và phép ẩn dụ lẫn hài hước.

Dù chọn lựa ý niệm và thế đứng phi địa lý, nhưng nhìn từ ngoài vào - tác phẩm của Trần Trọng Vũ luôn phảng phất cội nguồn Việt. Ông đi theo một phong cách riêng, muốn biến hiện thực phi lý thành cõi vô tri để vừa giễu nhại vừa bao dung, vừa phê phán vừa thấu hiểu, vừa phủ nhận vừa chấp nhận.

Cách cấu thành trong nhiều tác phẩm của Trần Trọng Vũ đã ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ Việt cùng thời và thế hệ sau đó. Nhưng cuối cùng, dù là “phi địa lý” hay phi lý thì nghệ thuật chính là sự bộc lộ bản ngã của người làm sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ