Công khai, minh bạch
Vấn đề có tính nhạy cảm nhất trong nội bộ nhà trường vẫn là tính công khai minh bạch khi thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người.
Qua đó, mâu thuẫn nội tại sẽ phát sinh khi có biểu hiện thiếu công bằng trong việc thực hiện các chế độ chính sách và phân phối thu nhập không rõ ràng do điều hành của hiệu trưởng và những người có liên quan.
Việc công khai minh bạch còn đòi hỏi phải thực hiện trong quan hệ với học sinh và phụ huynh học sinh. Chẳng hạn như việc thu tiền dạy thêm học thêm, các khoản đóng góp trong nhà trường phải được thoả thuận mức thu với sự thống nhất của toàn thể phụ huynh học sinh trên tinh thần tự nguyện tự giác và không được gợi ý ép buộc.
Nếu không, việc làm này sẽ tạo ra dư luận không tốt đối với nhà trường và các khoản thu này sẽ tạo nên gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là những gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Vì vậy, ngoài việc công khai trong công việc, người lãnh đạo cần quan tâm đặc biệt đến công khai tài chính ở tất cả các đối tượng có liên quan nhằm tạo nên môi trường sư phạm thực sự trong sạch và là chỗ dựa đáng tin cậy, của các thành viên trong nhà trường và gia đình học sinh.
Đánh giá đúng mức, khen thưởng xứng đáng
Việc đánh giá và thi đua khen thưởng có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo nên động lực thúc đẩy mọi hoạt động trong nhà trường.
Nếu được đánh giá tốt, người lãnh đạo sẽ chọn được đúng người và giao nhiệm vụ đúng việc, cũng như đem lại hiệu quả cao vì đúng với sở trường, phẩm chất và năng lực của người đó.
Ngược lại, nếu đánh giá không đúng sẽ tạo nên sự bất bình, thắc mắc khiếu nại, không phát huy được nỗ lực cá nhân của mỗi người và làm cho tập thể thiếu năng động, làm việc cầm chừng kém hiệu quả.
Trong thi đua khen thưởng thì nhất thiết người lãnh đạo phải xây dựng cho được các tiêu chí thi đua một cách chi tiết, cụ thể nhằm định hướng đúng mức yêu cầu nhiệm vụ do ngành và cấp trên đề ra.
Việc xét khen thưởng phải đảm bảo đúng quy trình và phải công bằng, khách quan thì mới phát huy tác dụng là đòn bẩy kích thích các hoạt động.
Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay việc đánh giá còn liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp đội ngũ. Cho nên đòi hỏi người quản lý phải cân nhắc, thận trọng, trung thực, khách quan và thực hiện đúng quy trình để đánh giá đúng mức phẩm chất và năng lực của đối tượng mình quản lý.
Tuyệt đối, không vì thành kiến cá nhân đối với những người có va chạm hoặc ưu ái thiên vị đối với những người thân cận với mình mà làm sai lệch kết quả đánh giá gây nên tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết dẫn đến khiếu kiện trong nội bộ.
Vấn đề này khá phức tạp đòi hỏi năng lực quản lý toàn diện của hiệu trưởng và sự chỉ đạo sâu sát của cơ quan quản lý trực tiếp. Qua đó, cơ quan quản lý trực tiếp phải nắm bắt tình hình chặt chẽ và phải thực sự cân nhắc, công tâm khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đối với việc đánh giá học sinh thì cần phải quan tâm nhiều hơn vì đã có một số giáo viên có biểu hiện thiên vị hoặc trù dập trong đánh giá kết quả học tập của học sinh gây dư luận không tốt đối với ngành giáo dục. Đây là vấn đề bức xúc cần phải tiếp tục chấn chỉnh.
Qua đó, việc đánh giá đúng mức năng lực của học sinh sẽ giúp cho học sinh nỗ lực học tập, phát huy năng khiếu và không ngừng vươn lên trở thành những người tài giỏi thực sự.
Thực tế đã có tình trạng học sinh ỷ lại vào việc dạy thêm học thêm, vào việc dễ dãi trong đánh giá của giáo viên mà không nỗ lực phấn đấu cá nhân, không phát huy được năng lực sáng tạo của mình.
Cho nên, giáo viên cần phải thực sự công tâm, nhiệt tình, trung thực, phải giữ vai trò hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ học sinh tích cực chủ động nắm bắt kiến thức thì mới đem lại kết quả cao trong học tập.
Từ việc đánh giá đúng mức thì mới có cơ sở khen thưởng xứng đáng và kịp thời cho hoạt động dạy và học trong nhà trường.
Trong thi đua khen thưởng thì nhất thiết người lãnh đạo phải xây dựng cho được các tiêu chí thi đua một cách chi tiết, cụ thể nhằm định hướng đúng mức yêu cầu nhiệm vụ do ngành và cấp trên đề ra.
Việc xét khen thưởng phải đảm bảo đúng quy trình và phải công bằng, khách quan thì mới phát huy tác dụng là đòn bẩy kích thích các hoạt động.
Về mức độ khen thưởng phải xem nặng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Thực tế, do điều kiện kinh phí khó khăn, có những nhà trường khen thưởng cho giáo viên và học sinh với mức vật chất quá thấp nên chưa kích thích thật tốt sự nỗ lực phấn đấu của thầy và trò.
Vì vậy, người lãnh đạo cần biết đánh giá đúng người đúng việc cũng như biết động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các đối tượng thuộc quyền quản lý thì sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường.
(Còn nữa)