Tuy nhiên gần đây, nghệ sĩ Won Park người Mỹ, gốc Hàn đang sống tại Hawaii mới thật sự là bậc thầy của nghệ thuật gấp tiền giấy. Từ lúc sáu tuổi, anh đã biết gấp giấy theo nghệ thuật origami Nhật Bản, đến trung học thì gấp tiền và tới nay đã sáng tạo được vô số tác phẩm bằng tiền gấp, từ những chú cá chép tới cá mập, rồng, rắn, chim, gấu, lợn, trâu, bọ cạp, bướm, cua, nhện, máy ảnh, xe tăng, phi cơ, xe đua, bồn cầu, quần áo, nhà cửa… Tất cả bằng đồng một đô la và thông thường gồm một đến ba tờ tiền. Năm 2011, anh đã viết sách tiết lộ các bí mật sau các sinh vật thú vị.
Ở quê hương của nghệ thuật origami, Yosuke Hasegawa (Tokyo- Nhật Bản) cũng là một nghệ sĩ đa tài có tác phẩm độc đáo. Phần lớn tiền gấp của anh thường tả những nhân vật lịch sử, nhà lãnh đạo trong cách ăn mặc và màu sắc hài hước. Họ thường đội, quấn hoặc choàng những chiếc mũ, nón, khăn kỳ thú, đem lại sự lạ mắt và dí dỏm. Anh bắt đầu gấp tiền có vẻ trào phúng, gây cười từ năm 2006, dùng các biểu tượng và chân dung trên các đồng tiền quốc tế nhằm giới thiệu văn hóa, phong tục, tập quán ở từng nước.
Justine Smith (London- Anh) lại dùng tiền cắt dán làm thành những bông hoa, chú cún, con bê - cừu, các bản đồ trên thế giới, các vụ nổ trong vũ trụ, các loại súng, các quả lựu đạn từ những đồng đô la Mỹ, kyat Myanmar, rial Iran và nhân dân tệ Trung Quốc… Chỉ sáng tác trên tiền giấy hơn chục năm nay, song chị rất thông thạo về tạo hình và có thể làm ra đa dạng những hình ấn tượng. Đặc biệt, chúng còn thể hiện rất rõ quan niệm chính trị, đạo đức, xã hội, chiến tranh, bạo lực và công lý.
Không chỉ xé dán, Scott Campell (New York- Mỹ) còn dùng tia la de để khắc lên các tập tiền do Sở in tiền Mỹ cung cấp, tạo nên những phù điêu bằng tiền ấn tượng. Vốn chỉ làm việc xăm mình nghệ thuật tatoo từ năm 2001, anh sau đó đã chuyển sang trạm trổ trên tiền và các vỏ hộp rượu. Mỗi tác phẩm của anh thường gồm hàng trăm đến vài nghìn đồng một đô la, đem lại vẻ đẹp sống động bởi hiệu ứng 3D, sự sắc nét và tinh xảo. Các hình dạng thường gặp là dây lá, mạng nhện, trái tim, đôi bàn tay, côn trùng, gấu bông, xương sọ và chữ đẹp...
Irina Truhanova (Riga - Latvia) lại là người chuyên sáng tác tranh theo kiểu khảm mosaic và năm 2012 đã có những họa phẩm rất đặc sắc, chi tiết ghép từ tiền. Tranh thường tả phong cảnh phố phường, tượng đài và chân dung người- vật trong thần thoại và đời thực, ví dụ như cảnh đường phố Paris, Moscow, Tokyo…
Cũng khảm tiền, song gập nhỏ thay vì xé rời là Sean Diediker, một họa sĩ sơn dầu Tây Ban Nha hiện sống ở Utah –Mỹ. Anh chỉ gập tiền và sắp xếp để tạo ra một loạt tranh chân dung của các vị tổng thống Mỹ. Do đó, mỗi đồng tiền vẫn dùng được. Tranh thường chứa các đồng đô la mệnh giá thấp từ một tới năm hoặc 20 đô la. Song được ghép từ rất nhiều tờ tiền, như chân dung tổng thống Donald Trump gồm 1.400 tờ tiền và nhiều nhất là tổng thống thứ bảy của Mỹ Andrew Jackson - 30.000 tờ tiền. Tác phẩm nào cũng cầu kỳ, tỉ mỉ mất hàng tháng mới hoàn chỉnh.
Nhằm biểu đạt những ý niệm triết lý, Hanna von Goeler - Hà Lan còn vẽ trực tiếp trên tiền. Anh bắt đầu vẽ lên tiền từ năm 1992-94, đưa bàn ghế, tẩu thuốc, bánh pizza, chim, ốc sên, xe hơi, nhà lầu, trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ các dân tộc… vào các đồng đô la. Tổng cộng có tới 500 tác phẩm khắc họa sự đấu tranh và hòa hợp của mọi lĩnh vực đối với đồng tiền, cho thấy tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống nhân loại.