Không những thế, ca phẫu thuật này đã đánh dấu mốc cho ngành y học nước nhà khi tái tạo mặt thành công cho bệnh nhân với những tổn thương hiếm gặp trong y văn thế giới.
Ca phẫu thuật hiếm gặp
Bệnh nhân Geng Thong (60 tuổi, quốc tịch Lào) phát hiện bệnh cách đây hơn 20 năm. Khi đó, bệnh nhân Thong chỉ bị ung thư da rất bình thường.
Do quá trình điều trị nhiều nơi không có kết quả dẫn tới khuôn mặt bà bị biến dạng. Với bà, khuôn mặt đã trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh trong từng giấc ngủ cho đến khi được các bác sỹ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình hàng đầu Việt Nam thực hiện thành công ca tái tạo mặt vào cuối tháng 1/2016.
|
Ca phẫu thuật ghép mặt cho bệnh nhân. |
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, GS.TS Trần Thiết Sơn-Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (đại học Y Hà Nội - người trực tiếp tham gia phẫu thuật) cho biết:
“Bệnh nhân Geng Thong nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt do ung thư. Toàn bộ tầng giữa mặt và vòm miệng bị khối u ăn vào, gây tổn thương và làm cản trở sinh hoạt, gây khó thở, khó ăn uống.
Đây là một ca tổn thương do ung thư da rất lớn, hiếm gặp trong y văn thế giới. Thường những bệnh lý như thế này, người ta điều trị sớm, giải quyết sớm và triệt để sẽ không bị “biến dạng” như vậy.
Khối u đã ăn rộng khắp khuôn mặt bệnh nhân, bắt buộc phải phẫu thuật, nếu không sẽ vô cùng khó khăn trong sinh hoạt”. GS.TS Thiết Sơn cũng cho biết thêm, đến chiều 17/2, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, gương mặt được tái tạo thành công bước đầu.
Theo GS.Thiết Sơn, về yếu tố thẩm mỹ, chắc chắn bệnh nhân còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình khác nữa để có được gương mặt hoàn chỉnh, cân đối và tự nhiên nhất.
Dự kiến, trong tuần tới, các bác sỹ sẽ tiến hành ca tái tạo tiếp theo cho bệnh nhân. “Ca tái tạo tới đây là những kỹ thuật chúng tôi vẫn hay tiến hành cho những bệnh nhân ở dạng tổn thương khác.
Do vậy, thủ thuật này không có gì đáng lo ngại. Bệnh nhân hiện đang được chăm sóc tại chuyên khoa Hồi sức cấp cứu cho nên mọi biện pháp cung cấp dinh dưỡng, nuôi sống bệnh nhân được thực hiện hết sức cẩn trọng, chu đáo. Khi đã đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân thì khả năng hồi phục của bệnh nhân rất cao”, GS.TS Sơn quả quyết.
Được biết, do bệnh nhân Geng Thong quá suy kiệt nên trước khi tiến hành ca phẫu thuật trên một tháng, bệnh nhân đã được nhập viện để chăm sóc sức khỏe. Các bác sỹ phải truyền, nuôi dưỡng lipit, protein bằng đường tĩnh mạch để bệnh nhân ổn định.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, nguyên tắc, khi thể trạng kém, khả năng liền vết thương của các tạo hình rất kém.
Do vậy, khi cơ địa tốt lên mới tiến hành phẫu thuật. “Cắt bỏ toàn bộ khối u ung thư rồi tiến hành tái tạo toàn bộ phần khuyết hỏng của vòm miệng, ống thở và vùng mặt.
Đó là cấu tạo 3 chiều (3D). Khuyết hỏng phần da mặt chỉ đơn thuần là tái tạo phần che phủ bên ngoài nhưng đây còn là tái tạo phần chìm (ống thở) nên vô cùng khó khăn. Trong y văn chưa ghi nhận trường hợp nào tái tạo cả ba phần như bệnh nhân này” - GS Thiết Sơn nhận định.
“Cuộc chiến” gay cấn kéo dài 14 tiếng đồng hồ
Đê thực hiện thành công ca phẫu thuật này, kíp mổ đã huy động tổ hợp 20 bác sỹ từ nhiều chuyên khoa quan trọng, kéo dài trong suốt 14 tiếng đồng hồ.
GS.TS Thiết Sơn chia sẻ: “Đây là một ca khó, vừa phải tái tạo da mặt, vòm họng lại vừa phải tạo ống thở cho bệnh nhân nên cần sự góp mặt của tổ hợp rất nhiều chuyên khoa. Đầu tiên, phải kể đến chuyên khoa gây mê hồi sức.
Nhờ có gây mê hồi sức, chúng tôi mới có thể tiến hành phẫu thuật trong 14 tiếng mà vẫn đảm bảo khả năng sống của bệnh nhân. Thứ hai là ê-kíp về răng hàm mặt do GS.Lê Văn Sơn đảm nhiệm.
Với một tổn thương lớn như thế này, nếu chúng ta không phẫu thuật giải quyết triệt để, không cắt hết được khối u, cắt rộng, cả phần da lành, nguy cơ tái phát rất cao. Vai trò của các bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt rất quan trọng.
Cuối cùng là vai trò của các bác sỹ tạo hình thẩm mỹ, tái tạo tất cả các phần mà người ta đã cắt đi rồi và tạo dựng lại để đảm bảo cho cấu trúc của khuôn mặt, vòm miệng gần như bình thường”.
Đúng là trời không phụ lòng người, những nỗ lực của các bác sỹ cũng như nghị lực phi thường của bệnh nhân đã được đền đáp xứng đáng. Tưởng chừng khuôn mặt tàn tạ, xấu xí sẽ đeo bám suốt cuộc đời còn lại bệnh nhân nhưng kỳ diệu thay khuôn mặt ấy đang dần được tái tạo hoàn chỉnh.
“Với những kỹ thuật vi phẫu, đặc biệt là vi phẫu lớn trên vùng mặt, chúng tôi coi đây là ca phẫu thuật thành công, với sự sống của tất cả các phần cũng như sự chấp nhận của tất cả tại khu tổn thương” -GS.Thiết Sơn nói.
Được biết, ca mổ gồm hai ê- kíp phẫu thuật song song. Trong đó ê-kíp hàm mặt của PGS.Lê Văn Sơn tiến hành cắt bỏ toàn bộ các tổn thương ở tầng giữa mặt và một phần môi dưới, sau đó tạo hình khung xương hàm trên, mũi và sàn ổ mắt hai bên bằng titan.
Ê-kíp còn lại của GS.Thiết Sơn tiến hành hàng loạt kỹ thuật cao trong tạo hình như phẫu tích bóc vạt đùi trước hai bên, phẫu tích mạch nhận để chuyển vạt lên, kỹ thuật nối mạch vi phẫu và đặc biệt tạo hình 4D tầng giữa mặt với các cấu trúc đường thở, môi, vòm, mũi má, vạt da tự do là bước tiến của ngành tạo hình.
Từ sự thành công bước đầu của ca phẫu thuật này cho thấy, ghép da vạt siêu mỏng bằng vi phẫu tái tạo khuôn mặt đã mở ra hy vọng của người bỏng vùng mặt và đó còn là triển vọng cho y học nước nhà khi tiến hành chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư bị tổn thương ở vùng mặt.
GS.TS Trần Thiết Sơn cho hay: “Nói riêng về ung thư, những tổn thương ở đầu, mặt, cổ, hay những tổn thương khác trên cơ thể thì việc cắt bỏ khối u chỉ là một phần.
Quan trọng nhất, chúng ta tái tạo lại những bộ phận bị cắt đi để bệnh nhân hòa hợp trở lại cuộc sống bình thường. Đây là mặt rất thiếu ở nền y học nước chúng ta. Ở các nước khác trên thế giới, đó là một nhiệm vụ của bác sỹ sau khi điều trị ung thư.
Điều này cho phép ngành y tế chúng ta có thể tiệm cận những kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới, có thể tái tạo lại bất cứ bộ phận nào trên cơ thể”.
GS.TS Thiết Sơn chia sẻ, trước đây, bệnh viện Bỏng Quốc gia đã thực hiện thành công ca tái tạo gần như toàn bộ khuôn mặt bằng da tự thân cho một bệnh nhân bị bỏng.
Khi đó, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao về thành công của ca phẫu thuật đó. Nhưng ca bệnh lần này mà ông tham gia rất hiếm gặp trong y văn thế giới.
"Tôi nghĩ, những bệnh nhân trước đây hay bệnh nhân này sẽ được đón nhận tại các hội nghị quốc tế và tôi tin chắc là sẽ được đánh giá cao tại các hội nghị như ở Mỹ, Nhật hoặc Pháp”, GS.TS Thiết Sơn vui vẻ nói.
Bệnh nhân đã từng chữa trị ở nhiều nước Cách đây 20 năm, bệnh nhân Thong phát hiện khối u nhỏ kích thước khoảng 1cm vùng cánh mũi, đã được khám và chẩn đoán ung thư tế bào đáy tại một bệnh viện lớn tại Thái Lan. Tại Thái Lan, bệnh nhân đã hai lần phẫu thuật cắt bỏ khối u, lấy da sau tai ghép che phủ tổn thương sau cắt bỏ u. Tuy nhiên thời gian sau, khối u lại xuất hiện tại vị trí cũ và lan rộng xung quanh gây khuyết rộng tầng giữa mặt, mất toàn bộ mũi, môi trên, vòm và hệ thống xương hàm. Bệnh nhân đã khám tại rất nhiều bệnh viện ở Trung Quốc và Việt Nam với chẩn đoán ung thư hàm mặt phức tạp, các bác sỹ đều từ chối phẫu thuật, chỉ định xạ trị nhưng bệnh nhân và gia đình không đồng ý vì không triệt để. |