Những buổi diễn vắng khách triền miên khiến cho không ít nghệ sĩ trăn trở, khát khao tìm một lối đi mới cho nghệ thuật chèo.
Vốn cổ mai một
Vào những năm 60, 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chèo với đề tài hiện đại này đã góp phần làm nên một thời kỳ cực thịnh của sân khấu. Có thể kể đến “Đường về trận địa” của Tào Mạt, Hoài Giao, “Sợi tơ vàng” của Việt Dung, “Những cô thợ dệt” của Trần Huyền Trân...
Cùng với sự phát triển của xã hội, các loại hình giải trí mới ra đời, nhiều người đã không còn mặn mà với sân khấu chèo nữa, sân khấu truyền thống nói chung nghệ thuật chèo nói riêng dần dần mất đi vị thế của mình. Nhiều năm nay, việc bán vé cho các đêm diễn chèo, tuồng truyền thống dường như chỉ còn trong “giấc mơ” của những người làm nghề.
Đã có nhiều giải pháp để “cứu” nghệ thuật truyền thống như Dự án đưa chèo vào trường học, dự án “Long Thành diễn xướng” nhưng đến nay, các môn nghệ thuật này vẫn rơi vào khủng hoảng, nhất là vấn đề nhân lực.
Đạo diễn Lê Tuấn Cường, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, nghệ thuật truyền thống không thu hút được giới trẻ theo học vì người ta nhìn thấy mức sống của anh em nghệ sĩ truyền thống rất khó khăn. Trong khi đó, đào tạo chèo vô cùng khó khăn, vất vả trong nhiều năm trời thế nhưng thu nhập hát một giờ không bằng cát-sê 1/100 ca sĩ thị trường. “Cả đoàn chúng tôi diễn một tối cát-sê 20 triệu đồng với 40 con người, 3 ô tô phục vụ, không bằng cát-sê của một ca sĩ thị trường. Điều này là một trong những nguyên nhân không thu hút được các em học sinh đến với nghệ thuật chèo”.
Nỗ lực vực dậy nghệ thuật chèo
Mới đây Bộ VH-TT&DL đã có văn bản về việc phối hợp tổ chức thực hiện “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020”. Thông tin này được đưa ra trước thềm mùa tuyển sinh nghệ thuật chuyên nghiệp 2016 - 2017.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức thực hiện đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo trong cả nước theo Đề án đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt.
Trước đó, năm 2013, nhằm giải quyết sự thiếu hụt lực lượng nghệ sĩ, Nhà hát Chèo Việt Nam trực thuộc Bộ VH-TT&DL đã xin cơ chế tổ chức đào tạo diễn viên theo phương pháp truyền nghề tại đơn vị. Hiện nay, Nhà hát Chèo Việt Nam đang rất vui mừng khi đào tạo được khóa học hơn 20 học sinh hệ trung cấp (độ tuổi 15 - 18 ở các tỉnh, thành phía Bắc) với nhiều gương mặt tiềm năng cho nghệ thuật chèo, từ đào, kép cho đến nhạc công… Đây là những nỗ lực cho thấy sự quyết liệt đẩy lùi khó khăn, mở ra nhiều cánh cửa đón người yêu nghệ thuật truyền thống.
Công bằng mà nói, khi người nghệ sỹ còn “mướt mải” lo chuyện cơm áo, làm việc tay trái, “chân ngoài dài hơn chân trong” thì sân khấu truyền thống còn trì trệ, thậm chí là phải đối mặt với nguy cơ thất truyền là điều không quá khó để hiểu. Thiết nghĩ, để các nghệ sĩ sống được bằng nghề và trụ vững trong xã hội hiện đại vốn vô vàn những lựa chọn giải trí... thì chúng ta không chỉ đơn độc trông chờ vào sự nỗ lực và hy sinh không mệt mỏi của các nghệ sĩ, mà Nhà nước và các cơ quan, đơn vị chức năng cần tạo điều kiện và có những chính sách đãi ngộ phù hợp hơn. Đặc biệt, cần lắm sự thay đổi về nhận thức và ứng xử của cộng đồng với nghệ thuật truyền thống.