(GD&TĐ) - Hiện nay, với sự bùng nổ của các gameshow truyền hình, khán giả đã có nhiều món ăn tinh thần để giải trí thì nghệ thuật chèo đang dần bị quên lãng. Các nghệ sĩ chèo đang cố gắng tìm kiếm những kịch bản lôi kéo khán giả đến với sân khấu chèo. Tuy nhiên công việc này còn nan giải..
Cách tân từ chèo truyền thống
Theo dòng chảy thời đại, chèo cũng như bao bộ môn nghệ thuật truyền thống khác đang "vặn mình" thay đổi để phù hợp với thực tại. Lẽ đương nhiên chèo phải mang hơi hướng của thời đại. Làm sao vẫn giữ được những làn điệu chèo cổ mà vẫn mang tinh thần hiện đại đã khiến cho những kịch bản chèo ngày càng hiếm hoi hơn. Nhiều nhà viết kịch bản đã trăn trở nhưng vẫn chưa tìm được một hướng thoát để tránh tội "phá chèo".
Sự cách tân nghệ thuật chèo nên đi theo hướng nào? Đó là câu hỏi được rất nhiều người trong giới quan tâm. Nhiều nhà chuyên môn và giới phê bình sân khấu đều đồng tình rằng: “Hãy cách tân chèo bắt đầu từ chèo truyền thống”. Bởi muốn phát triển, chèo hiện đại nên đứng trên đôi vai của “người khổng lồ” là chèo truyền thống, chứ không nên bắt đầu đi những bước chập chững không dựa vào đâu cả. Chúng ta đã có nền tảng đầy tự hào về chèo truyền thống. Vậy thì, không có lý do gì lại từ chối đi lên từ chính nền móng bền vững của cha ông.
Đạo diễn, NSƯT Lê Huệ (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam) cho rằng, một vở chèo hiện đại hấp dẫn chính là câu chuyện đời trong cuộc sống đương đại được phản ánh bằng những phương tiện của chèo truyền thống, kết hợp nhuần nhụy những làn điệu chèo cổ với những lời ca mới được sáng tác. Nếu như chèo cổ có tiết tấu chậm rãi, đủng đỉnh thì chèo hiện đại cần được khai thác với tiết tấu nhanh hơn, khẩn trương hơn để phù hợp với dòng chảy thời cuộc.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Khoa Báo chí & Truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, khẳng định: “Chèo hiện đại muốn chạm đến trái tim của công chúng đương đại, cần bám sát hơi thở cuộc sống và đối thoại được với khán giả, tức khơi ngợi được những vấn đề thời đại khiến công chúng nghĩ suy chiêm nghiệm”. Song, dù chèo có được cách tân hiện đại đến đâu cũng vẫn phải giữ được hồn vía của chèo truyền thống, với cách kể chuyện riêng, mang cái "hơi chèo" thiên về ước lệ tự sự bằng ngôn ngữ giàu chất trữ tình. Có nghĩa là nội dung của chèo hiện đại là nói về câu chuyện của ngày hôm nay dựa trên những làn điệu cổ.
Phải giữ được vị trí của vai hề trong các vở diễn
Xét về mặt khách quan, những làn điệu chèo cổ đã một đi không trở lại. Những văn bản chèo cổ đã và đang bị thất lạc từ đời này qua đời khác. Chèo đang bị mai một dần bởi lớp kế cận không nhiều. Nhiều nghệ sĩ khi mất đi cũng không biết thừa kế chèo cho ai. Tuy nhiên xét về góc độ chủ quan là chủ yếu, nhiều người viết chèo thường mang nặng tâm lý "hiện đại hoá" chèo, bớt đi những câu ngân nga chậm rãi, tiết tấu nhanh hơn. Chính tâm lý ấy đã khiến chèo truyền thống mất dần chỗ đứng trong lòng khán giả. Hiện, đến với sân khấu chèo hiện đại, không sao gặp được tiếng cười hóm hỉnh, thâm thuý của hề như những đêm chèo thưở nào. Điểm quan trọng và hết sức độc đáo trong nghệ thuật chèo truyền thống là có sự kết hợp hài hoà giữa cái bi và cái hài, mà nhân vật hề là nhân vật chủ yếu để tạo yếu tố hài trong nghệ thuật chèo. Chính vì thế, nhiều người cho rằng thiếu vai hề là thiếu đi một yếu tố quan trọng của chèo, những vở chèo vắng bóng vai hề sẽ không bao giờ được xem như vở chèo hoàn chỉnh. Có thể xem vai hề như là người "lính xung kích" truyền tải những tư tưởng mới, tiếng cười phê phán, đả kích mạnh mẽ để đấu tranh loại trừ cái ác, xấu và thấp hèn.
Trong những vở chèo đề tài hiện đại, nhân vật hề thường được thay thế bằng nhân vật hài thừa kế thủ pháp nghệ thuật của chèo truyền thống. Nhất là trong điều kiện xã hội hiện nay, nhu cầu giải trí bên cạnh nhu cầu đấu tranh chống những mặt tiêu cực của xã hội đang rất cần tiếng cười của những vai hề. Để giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc của ngôn ngữ nghệ thuật chèo, nhất thiết phải giữ được vị trí của vai hề trong các vở diễn. Vì chính nhân vật hề tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc trong chèo.
Cổ nhân có câu: "Có tích mới dịch nên trò". Vậy nên vai trò của tác giả, kịch bản - người xây dựng nội dung cốt truyện, đạo diễn - người thiết kế mảnh trò hết sức quan trọng. Muốn viết được kịch bản chèo hay thì cần phải cất công nghiên cứu chèo cổ, dùng những làn điệu cổ để biến hoá những câu chữ mang hơi thở của thời đại. Có như vậy mới mong có những tác phẩm có sức sống trường tồn với thời gian.
Chèo không thể thiếu yếu tố hài. Đã nói đến chèo bao giờ cũng phải đậm yếu tố hài mang nét dân gian. Trong chèo đề tài hiện đại, chất hài phải giữ được và điều tiết yếu tố hài bằng nhân vật hiện đại. Chất hài thể hiện trong nhân vật hiện đại chứ không phải bắt chước những vai hề chèo ngày xưa, nhưng phải đảm bảo trong vở diễn có yếu tố hài. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH,TT&DL |
Lê Đăng