Nghề sinh - tử

GD&TĐ - Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng trong lòng đất lửa Quảng Bình vẫn còn rất nhiều bom, mìn sót lại.

Những nhân viên MAG đang tiến hành các bước để xử lý quả bom chưa phát nổ.
Những nhân viên MAG đang tiến hành các bước để xử lý quả bom chưa phát nổ.

Để góp phần làm hồi sinh những vùng đất chết, những năm qua đội ngũ nhân viên của dự án MAG đã tích cực, phối hợp xử lý gần 133.000 vật liệu nổ tại Quảng Bình.

Lính phá bom

Để chung tay hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của chiến tranh, từ năm 2003, nhóm cố vấn bom mìn Mines Advisory Group (MAG) đã triển khai hoạt động rà phá bom, mìn tại tỉnh Quảng Bình, làm hồi sinh những vùng đất chết.

Ngoài đội ngũ chuyên gia, MAG còn tuyển thêm rất nhiều người dân Quảng Bình và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho họ để trở thành những nhân viên kỹ thuật. Được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại đồng bộ, các đội MAG đã đáp ứng tốt yêu cầu của công việc là rà tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Anh Cao Thế Anh (SN 1980) cho biết, những ngày vừa bước vào công việc rà phá bom, mìn tại dự án MAG, có lúc nghĩ không thể gắn bó với công việc này vì thường xuyên xa gia đình, sự khắc nghiệt của nắng mưa.

Nhưng đến nay, anh đã có gần 3 năm làm công việc và bây giờ, anh đã không còn cảm giác rợn người khi gặp bom, mìn nữa. Đối với công việc này, anh đã rút ra những bài học quý báu trong nghề. Tuyệt đối không được sai sót và cũng không có chuyện rút kinh nghiệm. Bởi chỉ cần một sai sót dù là nhỏ nhất, cũng phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Những nhân viên của dự án MAG tại Quảng Bình, khi nghe thấy tiếng hủy nổ, hay mỗi lần xử lý an toàn một quả bom, mìn là mọi mệt nhọc trong họ dường như tan biến. Bởi họ hiểu rõ, những hiểm nguy trong lòng đất đã được gỡ đi, cuộc sống của cư dân xung quanh đã được đảm bảo an toàn.

Theo anh Nguyễn Thanh Hà, cán bộ quản lý hoạt động của MAG tại Quảng Bình, nhờ hoạt động của MAG, hàng trăm nghìn người dân đã thoát khỏi nỗi sợ hãi về hiểm họa bom, mìn. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai xây dựng cũng như người dân khu vực nông thôn có thêm đất an toàn để sản xuất, cải thiện đời sống và tai nạn liên quan đến bom mìn được giảm thiểu.

“Mỗi khi phát hiện thấy bom, mìn là chúng tôi lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Có những khu vực đồi núi, việc vô hiệu hóa bom, mìn là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình hiểm trở, mà còn những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau, chỉ cần bước chân lên là có thể phát nổ”, anh Hà chia sẻ.

Chuyên gia rà phá bom mìn của MAG tiến hành kiểm tra để xử lý quả bom sót lại trong lòng đất từ chiến tranh.
Chuyên gia rà phá bom mìn của MAG tiến hành kiểm tra để xử lý quả bom sót lại trong lòng đất từ chiến tranh.

Phát hiện xử lý 133 nghìn vật liệu nổ

Mặc dù vất vả, gian khổ, thế nhưng cán bộ, nhân viên MAG luôn nhiệt tình, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Từ năm 2003 đến tháng 3/2021, tại tỉnh Quảng Bình, MAG đã rà được hơn 31 triệu m2 đất, xử lý gần 133 nghìn vật liệu nổ. Với gần 230.000 người được hưởng lợi từ hoạt động rà phá bom, mìn của MAG.

Giờ đây, những mảnh đất nhiều năm bỏ hoang vì có nhiều bom, đạn đang được hồi sinh. Người dân đã an tâm sinh sống, sản xuất; nhiều công trình, tuyến đường được xây dựng an toàn, đưa vào hoạt động. Những rừng keo, tràm, thông… tràn đầy nhựa sống đã phủ xanh nơi những hố bom đã được xử lý.

Đa số người dân ở Quảng Bình đã bày tỏ lòng biết ơn đến các chuyên gia và nhân viên của dự án. Sự có mặt của họ đã góp phần mang lại niềm hạnh phúc, sự bình an cho cuộc sống của người dân nơi đây. Không những giúp họ an tâm về tính mạng, mà còn gia tăng thêm nhiều diện tích canh tác sản xuất để phát triển kinh tế.

Bà Võ Thị Mai, trú thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, là một trong những người được hưởng lợi từ hoạt động của MAG. Vào năm 2019, trong quá trình xây nhà mới, gia đình bà Mai đã phát hiện một quả bom lớn dưới lòng đất. Nhận được tin báo, đội ngũ nhân viên của MAG tức tốc lên đường.

Hoạt động rà bom mìn của các nhân viên MAG.
Hoạt động rà bom mìn của các nhân viên MAG.

Sau khi đánh giá hiện trạng, nhân viên kỹ thuật của MAG đã phối hợp với lực lượng an ninh địa phương sơ tán người dân và chặn xe cộ đi ngang Quốc lộ 1A để tiến hành tháo kíp. Trong vòng 30 phút đầy kịch tính, quả bom đã được tháo kíp an toàn trong sự vỡ òa vui sướng của người dân và sau đó di chuyển đến khu hủy nổ tập trung.

Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn vụ xử lý bom, mìn mà MAG đã thực hiện. Mỗi diện tích đất mà đội ngũ MAG đã đi qua, đồng nghĩa với việc hiểm họa sót lại từ lòng đất được loại bỏ, trả lại cuộc sống bình yên và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.

Chị Hoàng Thị Mai Chi, cán bộ quản lý liên lạc cộng đồng MAG Việt Nam cho biết, bên cạnh hoạt động rà phá bom, mìn, MAG còn tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến thức liên quan đến bom, mìn, giúp người dân tránh những rủi ro do bom mìn gây ra.

Theo báo cáo của MAG, đến tháng 3/2021, MAG đã tổ chức được 947 khóa giáo dục về bom, mìn cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với gần 17.000 người hưởng lợi từ hoạt động này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.