Nghề siêu lợi nhuận của tiếp viên hàng không là buôn lậu?

Lợi dụng tính chất và lợi thế công việc, một số tiếp viên hàng không đã trở thành những tay buôn có hạng.

Nghề siêu lợi nhuận của tiếp viên hàng không là buôn lậu?

Tiếp viên hàng không giỏi... buôn lậu.

Vài năm gần đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) từng phải chịu tai tiếng với rất nhiều vụ nhân viên của tiếp tay cho hành vi buôn lậu, trong đó có nhiều vụ buôn lậu điện thoại di động, kim loại quý...

Ngày 3/6/2002, Cục Hải quan Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới tại sân bay quốc tế Nội Bài. 

Lực lượng hải quan đã phát hiện vụ nhập lậu gần 7 kg vàng (dưới dạng nhẫn, vòng, dây chuyền) và 400 điện thoại di động cùng các linh kiện.

Số hàng trên được để trong túi đựng thức ăn thừa trên chuyến bay từ Dubai (UAE) đến Hà Nội. Số hàng trị giá hơn 2 tỷ đồng liên quan đến 9 tiếp viên hàng không VNA trên chuyến bay mang số hiệu VN534.

Tháng 10/2003, hai tiếp viên Phạm Thị V. và Nguyễn Thị Kim C. đã bị trạm thuế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ, gồm 51 điện thoại di động các loại, hơn 700 đồng hồ đeo tay, một số phụ kiện của điện thoại di động gồm 16 cục pin, gần 70 dây sạc, hơn 35 đế sạc pin và 50 dây đeo tai nghe. Tổng trị giá hàng hóa hơn 300 triệu đồng.

Vào tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia đã bắt giữ 7 tiếp viên (cả nam và nữ) của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại Iphone và Ipad từ nước này về Việt Nam.

Năm 2011, tiếp viên VNA vận chuyển hàng điện tử và ngoại tệ số lượng lớn từ Australia vào sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) qua đường hàng không, với tổng số 980 thiết bị, tương đương hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 34.600 USD. Cơ quan điều tra đã xác định hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia các phi vụ vận chuyển trên.

Tháng 9/2013, một tiếp viên phó của VNA vừa bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S còn "nguyên đai nguyên kiện" khi bay từ Paris (Pháp) về Sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay VN106.

Bị nghi ngờ ăn cắp

Chiều 26/3, VNA xác nhận: Nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (số hiệu Ngọc 35, sinh năm 1988) của hãng đang bị tạm giữ tại Nhật Bản để phục vụ công tác điều tra.

Tối 26/3, trong thông cáo báo chí phát đi, đại diện Hãng hàng VNA cho biết, ngay trong sáng 26/3, đại diện VNA đã có buổi làm việc với cơ quan cảnh sát Tokyo tại trụ sở văn phòng VNA để cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết hỗ trợ việc điều tra.

Chiều cùng ngày, một Phó Tổng giám đốc VNA cũng đã có buổi làm việc với A85 Bộ Công An Việt Nam để tiếp tục phối hợp trong công tác điều tra.

Quan điểm chỉ đạo của VNA là cương quyết làm rõ và xử lý nghiêm đối với bất kỳ cá nhân nào là tiếp viên hay cán bộ công nhân viên trong VNA lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để mang hành lý sai quy định. 

Đồng thời, VNA cũng đã kiểm tra và chấn chỉnh lại quy định, tiêu chuẩn liên quan để ngăn chặn việc mang hàng hóa sai quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

VNA khẳng định sẽ khẩn trương tích cực hợp tác với các cơ quan điều tra, không bao che, tránh né, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời dựa trên các nguồn tin xác thực.

Trước đó, tờ Sankei Shimbun và Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đồng loạt đăng tin cảnh sát nước này bắt giữ nữ tiếp viên 25 tuổi của Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Theo đó, người này bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng), trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến Sân bay Quốc tế Kansai, tháng 9 năm ngoái.

Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát Nhật còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng có thể đã tham gia vào việc vận chuyển hàng ăn cắp. 

Trong số này, đã có 5 người bị thẩm vấn, bao gồm một phi công và 4 tiếp viên. Tất cả những nhân viên này hiện đều không có mặt ở Nhật Bản.

Cũng theo báo Nhật, nữ tiếp viên Bích Ngọc được cho là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp theo đặt hàng của một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi sống ở Nhật. 

Cảnh sát Nhật cho rằng, nữ tiếp viên Ngọc đã phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định mình không biết số quần áo mình vận chuyển là hàng ăn cắp.

Cũng theo nguồn tin này, kể từ tháng 6 năm ngoái, Bích Ngọc cũng được cho là đã đưa số hàng ăn cắp trị giá khoảng 3 triệu yen Nhật (tương đương 618 triệu đồng) cho nhiều nhân viên hàng không khác để nhận lại tiền hoa hồng công vận chuyển.

Qui định của ngành bị nhờn?

Trước tình trạng tiếp viên hàng không lợi dụng, tiếp tay cho buôn lậu trên nhiều chuyến bay quốc tế có diễn biến phức tạp, mới đây, VNA đã có Chỉ thị quy định phi công, tiếp viên trên các chuyến bay ra nước ngoài không được sử dụng vali to.

Cụ thể, tất cả tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các đường bay ngắn/trung chỉ được mang cặp bay/vali xe kéo nhỏ, túi đựng áo khoác phải cho vào trong vali/cặp bay. 

Đối với đường bay ngắn/trung chỉ cho phép mang cặp bay/vali xe kéo nhỏ. Đối với đường bay dài đi châu Âu, châu Úc và chuyên cơ có thời gian lưu trú dài ngày mới sử dụng vali to. Túi đựng áo khoác phải cho vào vali/cặp bay.

Chỉ thị cũng yêu cầu các trung tâm khai thác tại Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, chi nhánh VNA tại nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản, Nga, Australia và châu Âu phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này.

Trước đây, thành viên tổ bay được phép đem theo một vali hành lý xách tay và một vali hành lý ký gửi không nặng quá 32 kg, làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa ưu tiên nội bộ, nhưng vẫn phải thực hiện soi chiếu hải quan như đối với hành khách thông thường.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ