Nghệ sĩ Thanh Bùi: Đam mê với giáo dục mầm non

GD&TĐ - Đang là nghệ sĩ đứng trên sân khấu truyền cảm hứng cho nhiều ngôi sao, giới trẻ, đồng thời là chủ nhân của nhiều bản hit, nghệ sĩ Thanh Bùi (tên thật là Bùi Vũ Thanh) “biến mất”đầy bất ngờ khỏi sàn diễn. Rồi một ngày đẹp trời của tháng 11/2019, anh ra mắt một trường mầm non mang đẳng cấp quốc tế tại TPHCM. Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trò chuyện với anh.

Đại diện Trường CĐ Văn hóa Nghệ Thuật TPHCM và nghệ sỹ Thanh Bùi cắt băng khánh thành không gian mơ ước - Dream Space. Ảnh: TG
Đại diện Trường CĐ Văn hóa Nghệ Thuật TPHCM và nghệ sỹ Thanh Bùi cắt băng khánh thành không gian mơ ước - Dream Space. Ảnh: TG

- Lý do anh chuyển từ lĩnh vực ca hát giải trí sang làm GD mầm non?

- Nghệ sĩ Thanh Bùi: Thực ra chuyện giáo dục tôi đã làm từ lâu. Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (Soul Music & Performing Arts Academy, SMPAA) do tôi sáng lập để dạy nhạc đã bắt đầu cách đây hơn 8 năm. Từ những năm 17 tuổi khi bắt đầu cuộc mưu sinh tôi đã tham gia dạy nhạc, dạy đàn, dạy toán… để kiếm sống. Do vậy, giáo dục đã nằm trong máu từ cái tuổi còn rất nhỏ nên tôi nghĩ không phải mình chuyển từ mảng này sang mảng khác mà thực sự là mình tiếp tục đi sâu hơn về giáo dục.

Dù làm gì thì cái gốc mình vẫn là nghệ sĩ và tiếp tục con đường làm nghệ thuật. Sau khi mở trường Soul 8 năm, tôi thấy còn nhiều vấn đề cần cải thiện, các em thiếu rất nhiều kỹ năng. Do đó tôi muốn có đóng góp sâu hơn cho giáo dục. Qua chương trình Kindermusik (chương trình giáo dục âm nhạc dành cho trẻ từ 6 - 5 tuổi) mà tôi mang về Việt Nam thì thấy nhiều em tham gia có sự phát triển rất tốt. Đồng thời, tôi có hai đứa con cũng đang độ tuổi mầm non nên rất muốn tìm một trường cho 2 con học, nhưng không tìm được trường phù hợp. Từ đó, tôi đặt ra một mục tiêu khá mạnh mẽ là đặt xây dựng nên hệ thống trường mầm non thế hệ mới.

- Tại sao có rất nhiều phương pháp giáo dục mầm non trên thế giới nhưng anh lại chọn Reggio Emilia Approach© để ứng dụng cho Little Em’s?

- Thời gian này, tôi cũng tiếp cận nhiều phương pháp giáo dục hiện đại dành cho mầm non. Sau đó, tôi nhận thấy phương pháp Reggio Emilia Approach© là phù hợp với thực tế Việt Nam nhất. Vì phương pháp này không có sự áp đặt ở đây, đồng thời nó là hướng tiếp cận chứ không hẳn là phương pháp. May mắn nữa là tôi làm việc với tổ chức Reggio Children (Italia). Trường Mầm non Thế giới Mặt trời – Little Em’s là trường đầu tiên và duy nhất được công nhận là trường Mầm non Reggio Emilia Approach© thực hiện chương trình giáo dục mầm non Việt Nam dành cho trẻ em từ 2 - 6 tuổi.

Do đó, tôi thường nói vui là mình “về hưu” rồi khi đề cập đến chuyện làm nghệ sĩ, ca sĩ, bởi 3, 4 năm nay mình đâu có đi hát nữa (cười). Tuy nhiên, thực tế thì tôi đang tập trung để làm giáo dục. Bởi tôi đã tìm thấy được một ý nghĩa sâu hơn khi mình làm công việc này, để thay đổi tư duy cùng với các phụ huynh xây dựng một thế hệ mới - một thế hệ rất mạnh về cái cốt lõi. Mình là người Việt Nam thì phải giữ gìn được cái bản sắc của dân tộc nhưng phải tiếp cận với thế giới, tiếp cận với cái tinh hoa, đẹp nhất, hay nhất, tân tiến nhất của thế giới để giáo dục một đứa nhỏ… Theo triết lý của tôi là 180 độ tây và 180 độ ta trở thành một đứa nhỏ 360 độ. Đây là việc tôi đang làm và rất mê công việc này. Nó rất khó nhưng mà bước đầu đã có hiệu quả. Tuy vậy, đây chỉ là những bước đầu tiên, tôi còn nhiều việc phải là tiếp theo.

Nghệ sỹ Thanh Bùi và đại diện tổ chức Reggio Children ký kết hợp tác. Ảnh: TG
Nghệ sỹ Thanh Bùi và đại diện tổ chức Reggio Children ký kết hợp tác.  Ảnh: TG

- Nhiều người cho rằng, giáo dục một đứa trẻ ở độ tuổi mầm non thì khó hơn dạy một học sinh ở độ tuổi phổ thông. Anh có nghĩ vậy không? 

- Tôi nghĩ giáo dục ở độ tuổi mầm non có cái thú vị, hay riêng. Nếu ở độ tuổi từ 1 - 5 mà chúng không dạy được thì lên cấp học lớn hơn sẽ bị trễ giờ rồi. Và tôi không muốn mình trễ giờ. Tôi muốn mình phải khai thác được những tiềm năng của một đứa nhỏ, bởi khoa học chứng minh não của một đứa nhỏ được xây dựng 90% ở độ tuổi từ 1 - 5. Do đó, tôi muốn từ tờ giấy trắng này mình sẽ vẽ một con đường mà không cần uốn nắn, bôi xóa. Đôi khi chịu cực một chút mà thành quả nó lớn lao hơn.

- Khi triển khai công việc mới này anh có gặp phải những rào cản hay khó khăn nào?

- Khi triển khai dự án giáo dục này, tôi không gặp rào cản nào. Tuy nhiên, những cái gì mới cũng luôn có những khó khăn nhất định. Khó khăn nằm ở chỗ vì nó mới nên sẽ có những tranh luận về lý thuyết, tư duy, bao nhiêu là tây, bao nhiêu là ta... Tây thiên về tôi, còn ta thiên về chúng ta. Việc tranh luận khá thú vị, vì có tranh luận mới có tiến bộ, mới có đột phá về tư duy. Vấn đề là mình làm sao kết nối hai thứ này lại với nhau. Do đó, vấn đề là cần có thời gian để mọi thứ liền mạch với nhau. Và mọi thứ sẽ đáp ứng được khi chúng ta có tấm lòng cởi mở, đặt sự phát triển của trẻ lên hàng đầu.

- Việc ký kết hợp tác với Trường CĐ VHNT TPHCM có liên quan gì đến lĩnh vực GD mầm non mà anh đang làm?

- Tất cả đều nằm trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo mà tôi đang làm. Việc xây dựng lên trường mầm non chỉ là một phần của cả hệ thống. Đồng thời, tôi có AMPA Education là tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực nghệ thuật. Và tôi rất muốn hỗ trợ các trường lên quan đến nghệ thuật, âm nhạc…Việc hợp tác này nằm trong mục tiêu mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội tiếp cận giáo dục âm nhạc và nghệ thuật một cách toàn diện. Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM có Khoa Sư phạm Âm nhạc nhằm đào tạo thế hệ giáo viên âm nhạc trẻ. Dự án hợp tác này giúp xây dựng một Không gian Mơ ước – Dream Space.

Những dự án thế này rất quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi muốn cùng với nhà trường đào tạo nên những thế hệ giáo viên dạy nhạc giỏi, vì khi có giáo viên giỏi thì mới có trò giỏi được. Và khi học trò mà giỏi thì hệ thống sinh thái về âm nhạc sẽ phát triển lên. Và trường mầm non cũng là một phần của hệ sinh thái này.

-Xin cảm ơn anh!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ