Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc: Người 'say' những công trình

GD&TĐ - Nếu có cuộc thi xem ai sở hữu nhiều bức ảnh về công trình xây dựng nhất thì chắc chắn tốp đầu phải có lão nghệ sĩ Nguyễn Tất Lộc, năm nay 84 tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc (thứ 2 từ phải sang) trong triển lãm ảnh “Dấu ấn những công trình”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc (thứ 2 từ phải sang) trong triển lãm ảnh “Dấu ấn những công trình”.

Nghề ảnh luôn yêu cầu mỗi nghệ sĩ ngoài đam mê phải có sức khỏe thật tốt, nhất là với “phóng viên công trường” như ông.

Mệt, ốm nhưng đi là khỏe

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc sở hữu hàng nghìn bức ảnh có giá trị về các công trình trên mọi miền đất nước. Nhiều người thắc mắc tại sao một người “có tuổi” như ông lại cứ thích “đi đi, chụp chụp”.

Tôi đem những trăn trở ấy đến gặp ông trong những ngày Hà Nội vào thu. Lão nghệ sĩ dáng cao, gầy, bước đi nhanh nhẹn, hoạt bát tiếp tôi trong căn nhà bình dị, sâu trong ngõ nhỏ ở phố Minh Khai (Hà Nội).

Không vội trả lời trực tiếp những câu hỏi của tôi, trong suốt cuộc nói chuyện, ông say sưa kể về các chuyến tác nghiệp ở nhiều công trường xây dựng thủy điện, nhiệt điện, dầu khí... ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi đi lại hết sức khó khăn. Qua những câu chuyện ấy, tôi đã phần nào cảm nhận được tình yêu sâu đậm của ông với nghề, với những cán bộ ngành xây dựng đang ngày đêm thi công để kịp tiến độ, bất chấp sự hiểm nguy của thiên tai luôn rình rập.

Nguyễn Tất Lộc quan niệm rằng, để diễn tả được sự vất vả, gian lao của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên thì chỉ bằng câu chữ thôi là chưa đủ; cần có những tấm ảnh đi kèm bài viết, vừa góp phần diễn tả sự thật vừa làm cho bài viết sinh động, mang hơi thở sự kiện đó.

Với ông, được chứng kiến công việc của những người lao động trên công trường, chứng kiến giọt mồ hôi, công sức của những người thợ đổ xuống để xây nên những công trình lớn cho đất nước, ông thấy thương họ và mong muốn làm được điều gì đó cho họ.

Ông khát khao đi đến những công trình đang xây dựng để chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của đất nước mình. Ông muốn có những bức ảnh độc, lạ bởi nó rất có giá trị với bạn đọc, với cơ quan báo bởi địa bàn tác nghiệp của ông không nhiều phóng viên có thể đặt chân đến được.

Hầu như khắp các công trường lớn nhỏ, đâu đâu cũng có dấu chân của Nguyễn Tất Lộc. Vậy ông đã rèn luyện sức khỏe thế nào? Đó có lẽ cũng là thắc mắc của rất nhiều người.

Thật vui, khi ông chia sẻ: “Có nhiều hôm đang mệt, sốt nhưng khi được mời tôi vẫn hăng hái đi, đến nửa đường là khỏi ốm”.

Và ông nói tiếp: “Đi công trường là đồng nghĩa với việc ăn, ở trong điều kiện thiếu thốn, nhưng anh em người ta ở được thì mình có sá gì? Trong quá trình tác nghiệp, những lúc trái gió trở trời, mưa nắng thất thường ốm là điều dễ xảy ra. Thậm chí trượt chân ngã cũng là chuyện bình thường nhưng lòng đam mê và quyết tâm khiến tôi vững tin rong ruổi trên hành trình ấy.

Nhiều người khuyên tôi nên dừng lại vì tuổi đã cao nhưng đó là cuộc sống, là đam mê của tôi thì dừng lại thế nào. Muốn thực hiện được nó tôi phải rèn luyện sức khỏe ghê lắm. Phải tập thể dục thường xuyên, phải ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, phải lạc quan trong tư tưởng, tâm hồn...”.

Tác phẩm “Lắp thiết bị tổ máy số 3 thủy điện Lai Châu” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tất Lộc.

Tác phẩm “Lắp thiết bị tổ máy số 3 thủy điện Lai Châu” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tất Lộc.

Lột tả vẻ đẹp chân - thiện - mỹ

Nguyễn Tất Lộc đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên, bởi ông vốn là người đam mê viết báo và từng có bài viết “Cứu mạ” đăng trên Báo Tiền Phong từ năm 1958, khi đang là thầy giáo làng tại quê nhà Vụ Bản (tỉnh Nam Định).

Mong muốn được đi đây đi đó ngao du cùng trang viết, ông rời quê lên Hà Nội làm công tác tuyên truyền tại Tổng cục Đường sắt (nay là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) từ năm 1960.

Năm 1966, ông dốc tiền tiết kiệm sắm một chiếc máy ảnh ống kính liền thân do Cộng hòa Dân chủ Đức sản xuất. Chiếc máy ảnh trở thành bạn đồng hành với ông trong những chuyến đi tới các công trình xây dựng, ghi lại không khí làm việc khẩn trương cùng sự nhiệt huyết của những người thợ.

Sau này, qua nhiều đợt chuyển cơ quan, ông vẫn đam mê viết và chụp ảnh. Thế nhưng phải đến năm 1978, khi là phóng viên Báo Xây dựng thì ông mới chính thức bước vào con đường làm báo chuyên nghiệp, để rồi sau này, đến những năm 2000 khi làm Trưởng Đại diện Tạp chí Xây dựng ở phía Nam (trụ sở tại TPHCM), ông mới có cơ hội được đến nhiều công trình ở trong và ngoài nước, thấu hiểu sự vất vả của những người chỉ huy công trường cũng như người thợ.

Những ai có dịp xem triển lãm ảnh “Dấu ấn những công trình” được tổ chức trang trọng tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, TP Hà Nội) cách đây mấy năm mới thấy được sức lao động của nhà báo Nguyễn Tất Lộc như thế nào.

Những bức ảnh được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của người nghệ sĩ chân chính bởi những dự án xây dựng nhà máy thủy điện hay nhiệt điện, dầu khí mà ông đặt chân đến đều ở khu vực núi cao, rừng sâu, biển cả với địa hình hết sức hiểm trở, nơi bão lũ bất thường sẵn sàng cuốn trôi tất cả...

Tại triển lãm “Dấu ấn những công trình”, công chúng không thể rời mắt khỏi những bức ảnh như: Thi công tuyến đường dây 500kV Pleiku - Củ Chi, Lắp đặt Tổ máy tại công trình Nhà máy Thủy điện Attapeu Lào, Nét đẹp ngày thường, Lắp thiết bị tổ máy số 3 thủy điện Lai Châu... Trong đó, một số bức ảnh đã từng giành giải thưởng cao như bức “Thi công công trình thủy điện Lai Châu” giành giải Nhất Liên hoan Ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội năm 2017 với chủ đề “Trên mọi nẻo đường Tổ quốc”;

Bức “Nét đẹp ngày thường” về những người thợ giỏi lắp thiết bị trên công trường thủy điện Lâm Đồng giành giải Nhất Cuộc thi ảnh báo chí năm 2016 của Hội Nhà báo Việt Nam, bức “Chân dung của chiến sĩ thi đua toàn quốc trên công trường xây dựng thủy điện Hủa Na” giành giải Nhất Cuộc thi ảnh báo chí năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp và doanh nhân”...

Xúc động với những bức ảnh của Nguyễn Tất Lộc tại triển lãm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc, đã từng khẳng định: “Nguyễn Tất Lộc chụp nhiều và có tới 80, 90% tác phẩm trưng bày trong triển lãm này mang đậm nét ảnh báo chí…”.

Còn nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến đã dành cho ông những lời khích lệ chân tình: “Đây là một triển lãm mang phong cách ảnh báo chí đặc trưng, lột tả đầy đủ vẻ đẹp chân - thiện - mỹ ngay tại những công trình trọng điểm quốc gia mà người chụp đã dày công bám trụ, theo đuổi”...

Tác phẩm “Thi công tuyến đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi” (Quảng Ngãi) của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tất Lộc.

Tác phẩm “Thi công tuyến đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi” (Quảng Ngãi) của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tất Lộc.

Trả “món nợ” trần gian

Giới chuyên môn đánh giá Nguyễn Tất Lộc là một nghệ sĩ, một nhà báo cần mẫn, tận tâm với công việc. Ông luôn chia sẻ, nhiệt tình với đồng nghiệp nhưng lại khiêm nhường, ít ồn ào và không tự tô vẽ dù ông đã có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi.

Năm 2018, khi cho ra mắt cuốn sách ảnh “Những người thợ và những công trình”, ông mong muốn đây là món quà tri ân những người thợ xây dựng, những nhà thầu, những chủ đầu tư đã thương yêu, quý mến, tạo điều kiện, hỗ trợ ông trong tất cả những chuyến tác nghiệp tại các công trình.

Đợt Covid-19 vừa qua không được đi, ông bảo mình bị “cuồng chân”. Ngồi nhà có thời gian rảnh rỗi, ông mở lại những bức ảnh và bài viết của mình rồi một ý nghĩ nảy trong đầu là biên tập và in thành cuốn sách dày 300 trang (sẽ xuất bản tới đây).

Ông bảo cuốn sách không bán và coi như làm một việc gì đó để trả “món nợ trần gian” trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bởi đó là từng ấy thời gian ông đã được những nhà đầu tư, nhà thầu cùng nhiều nhà quản lý gọi đi, mời đến rất nhiều dự án và nhiều công trình thi công trên toàn quốc.

“Có rất ít người được tận mắt chứng kiến quá trình nâng, kích, vận chuyển những khối thép khổng lồ, cồng kềnh của tổ máy có sức nặng cả nghìn tấn trong điều kiện chật hẹp dưới lòng núi thiếu không khí, thiếu ánh sáng và đầy nguy hiểm ở công trình thủy điện Hòa Bình, Yaly, Sê San 3, Nậm Chiến, Huội Quảng, Sơn La, Lai Châu... Dù bằng biện pháp nào, phương tiện hiện đại đến đâu thì cũng cần có sức lực và trí tuệ cùng lòng dũng cảm của hàng ngàn người lao động để có thể đưa được các thiết bị khổng lồ ấy vào đúng vị trí của các tổ máy...”, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc xúc động chia sẻ.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 84, tuy mắt đã mờ hơn, chân đã chậm hơn nhưng trái tim ông vẫn luôn ấm nóng và tràn đầy nhiệt huyết với những công trình. Hễ ở đâu có lời mời là ông sẵn sàng cùng với người bạn là chiếc máy ảnh lên đường.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc có lẽ sinh ra là dành cho nhiếp ảnh, và niềm vui sống của ông chính là được cống hiến cho đời những bức ảnh về những công trình trọng điểm quốc gia. Giới chuyên môn đánh giá Nguyễn Tất Lộc là một nghệ sĩ, một nhà báo cần mẫn, tận tâm với công việc.

Ông luôn chia sẻ, nhiệt tình với đồng nghiệp nhưng lại khiêm nhường, ít ồn ào và không tự tô vẽ dù ông đã có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi uy tín. Với tôi, ông là “người bạn” gần gũi, thân thiết như cái cách ông vẫn tự xưng với tôi là “cậu - tớ”, mặc dù ông ngang tuổi ông, tuổi bà của tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.