Nghệ sĩ HoàI Linh chậm tiền từ thiện: Các nhà hảo tâm có quyền khởi kiện

GD&TĐ - Liên quan đến việc chậm gửi số tiền từ thiện gần 14 tỷ đồng mà nghệ sĩ Hoài Linh vận động ủng hộ người dân miền Trung, một số luật gia nhận định việc này có thể truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC
Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC

Quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM), nghệ sĩ Hoài Linh đã có dấu hiệu vi phạm vào quy định tại Điều 7 của Nghị định 64/2008.

Cụ thể, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, quy định thời gian phân phối tiền hàng cứu trợ không quá 20 ngày.

Ông Trần Minh Hùng cho biết, điều 7 Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ có ghi. Theo đó, thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Trong đó, thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày kể từ khi phát động. Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ khi bắt đầu vận động.

Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, tính từ khi kết thúc thời gian vận động đóng góp.

Bên cạnh đó, Điều 21 Nghị định này quy định về việc khen thường và xử lý vi phạm. Trong đó, nếu các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho biết thêm: “Tôi cho rằng hành vi của Hoài Linh nếu không bị điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008 thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Bởi khi quyên góp hay những người gửi tiền nhờ Hoài Linh là trung gian làm từ thiện thì họ mong muốn quà, tiền của họ tới người dân miền Trung. Hoài Linh chưa chuyển và cũng không thông báo trên phương tiện truyền thông cho mọi người biết.

Do vậy, Hoài Linh đã không thực hiện đúng ý nguyện của những người làm từ thiện, vi phạm thỏa thuận với họ. Những người này có quyền khởi kiện Hoài Linh để đòi số tiền này lại và yêu cầu kèm theo lãi suất. Họ cũng có thể yêu cầu Hoài Linh chuyển số tiền họ làm từ thiện kèm theo lãi suất cho cơ quan chức năng để làm từ thiện.

Nếu Hoài Linh giữ số tiền này vì mục đích tư lợi cá nhân để chiếm đoạt thì thậm chí còn có dấu hiệu hình sự của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tôi cho rằng để làm rõ vấn đề này thì cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, hành vi của Hoài Linh để có căn cứ xử lý nghệ sĩ này theo quy định”.

Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TPHCM. Ảnh: FBNV
Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TPHCM. Ảnh: FBNV

Phải đền bù nếu chậm chuyển gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung

Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đây là quan hệ dân sự về việc thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền tặng cho tài sản.

Người tặng cho là người có tiền, tài sản. Người được tặng cho là đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn vì thiên tai. Nghệ sĩ Hoài Linh trong trường hợp này chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người có tài sản. Nghệ sĩ này có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước nó.

Việc ủy quyền tặng cho tài sản này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Như vậy, nghệ sĩ Hoài Linh đã đồng ý nhận ủy quyền của những người khác để nhận tiền, chuyển giao số tiền đó cho đồng bào lũ lụt miền Trung là nhận thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Nghĩa vụ của nghệ sĩ Hoài Linh xuất phát từ thời điểm nhận tiền của những người hâm mộ. Nghệ sĩ Hoài Linh cũng có trách nhiệm phải thông báo cho đồng bào lũ lụt miền Trung, người được tặng cho số tiền đó về số tiền tặng cho, thời gian, phương thức tặng cho (từ thiện)...

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản nào thì thuộc về chủ sở hữu tài sản đó. Khi chủ sở hữu đồng ý chuyển tài sản đó cho người khác hưởng thụ thì người hưởng thụ sẽ được sở hữu hoa lợi, lợi tức đó.

Bởi vậy, việc thực hiện hoạt động từ thiện kéo dài khiến phát sinh các khoản lãi suất từ khoản tiền đó thì lãi suất cũng thuộc về người được hưởng số tiền đó là đồng bào miền Trung.

Nghệ sĩ Hoài Linh có trách nhiệm phải chuyển giao toàn bộ số tiền gốc và lãi cho đồng bào miền Trung trong thời hạn sớm nhất có thể. Ngoài ra, nếu việc thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung thì nghệ sĩ Hoài Linh còn phải chịu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, giải thích sự chậm chuyển tiền do nghệ sĩ bận và dịch bệnh là không thuyết phục. Nhiều nghệ sĩ đứng ra quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung thời điểm đó đều đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình. Dịch bệnh chưa đến mức không thể chuyển số tiền đó trong một thời gian dài như vậy.

Việc chậm trễ rõ ràng là gây thiệt hại nghiêm trọng đến đồng bào miền Trung. Nếu số tiền đó được chuyển đến đúng địa chỉ phải đúng thời điểm thì đã khắc phục được rất nhiều khó khăn đối với đồng bào.

“Trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện như thế này , nếu phát hiện có việc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền như nghệ sĩ Hoài Linh trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015” – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.