Nghệ sĩ Bùi Công Duy: Chơi đàn, đi dạy, đóng phim…

Hiện nay, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy luôn bận rộn với nhiều công việc. Ngoài biểu diễn và giảng dạy, anh còn tham gia tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc chất lượng cao.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Bước ngoặt thành tài

Tôi gặp nghệ sĩ Bùi Công Duy tại cuộc tọa đàm dành cho những Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu từng được Trung ương Đoàn vinh danh, nhân kỷ niệm 20 năm (1996-2016) của giải thưởng này.

Bùi Công Duy được tôn vinh là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1997, sau khi giành giải thưởng Tchaikovsky cùng năm tại nước Nga, nơi anh đang theo học.

Hôm sau, tôi đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tìm Bùi Công Duy. Trong căn phòng nhỏ, người Chủ nhiệm khoa Dây của Học viện cho biết anh học đàn violon từ năm bốn tuổi.

Người thầy đầu tiên là cha của anh, GS.TS Bùi Công Thành. Sau đó, thấy con có khả năng phát triển theo con đường âm nhạc, ông đã hướng Bùi Công Duy vào học sơ cấp tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong các năm 1989 và 1990, Bùi Công Duy đoạt giải nhì cuộc thi âm nhạc “Tài năng trẻ” tại thành phố Hồ Chí Minh và giải nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc “Mùa thu” tại Hà Nội.

Bùi Công Duy cho biết, những năm đầu học violon, trong khi các bạn nhỏ cùng lứa tuổi được thoải mái vui chơi, thì ngoài thời gian ăn ngủ anh gắn với cây đàn.

Năm 1991, khi 10 tuổi, anh được bố mẹ đưa sang Nga học trung cấp âm nhạc. Ngày ấy, nước Nga đang ở giai đoạn có nhiều thay đổi, đời sống kinh tế rất khó khăn.

Dù Bùi Công Duy thuộc diện được nhà trường cấp học bổng, nhưng để theo học vẫn phải có thêm nhiều tiền vì giá cả, sinh hoạt rất đắt đỏ. “Bố tôi là giảng viên âm nhạc bên đó, nhưng hằng ngày ông vẫn phải làm thêm nghề lái taxi để tôi ăn học.

Tôi từng phải trải qua những đêm giá lạnh, vì đói nên phải ăn nốt miếng bánh mỳ cứng, miếng khoai tây chiên còn sót lại từ bữa chiều để chờ cha đi làm thêm trở về” - Bùi Công Duy bồi hồi nhớ lại.

Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng bù lại Bùi Công Duy lại được giảng dạy bởi những người thầy hết mình vì học trò. PGS. Kuzina là người thầy đầu tiên đã giúp anh tự tin khi biểu diễn trên sân khấu trong những ngày đầu bỡ ngỡ ở nước ngoài.

GS Gvozdev dạy anh những kiến thức cơ bản tốt nhất, cách làm việc có trách nhiệm, hết mình vì nghệ thuật. Những điều này đã giúp Bùi Công Duy đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế vào năm 1995 tại thành phố Novosibirsk, nơi anh đang học.

Đây chính là bước khởi đầu để 2 năm sau, Bùi Công Duy đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho lứa tuổi trẻ mang tên Tchaikovsky tại Saint Peterbourg.

Lập nghiệp tại quê nhà

Sau giải thưởng trên, Bùi Công Duy vào học đại học tại Nhạc viện Quốc gia Mátxcơva mang tên Tchaikovsky, dưới sự hướng dẫn của NSND Bochkova, một nghệ sĩ nổi tiếng của Nga và thế giới.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, anh tiếp tục học nghiên cứu sinh tại ngôi trường danh tiếng này. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2005, Bùi Công Duy được tiếp cận với dàn nhạc thính phòng lừng danh Virtuose Moscow do NSND Vladimir Sprvakov thành lập năm 1982.

Nghe Bùi Công Duy chơi đàn, NSND Vladimir Sprvakov - Người từng giành 4 giải thưởng lớn dành cho nghệ sĩ violin thế giới - đã quyết định nhận anh vào dàn nhạc.

Dàn nhạc Virtuose Moscow chỉ có hơn 20 thành viên, tất cả đều là những nhạc công cự phách. Dàn nhạc luôn có chương trình biểu diễn dày đặc tại các nước trên thế giới.

Với việc được tham gia dàn nhạc, Bùi Công Duy trở thành thành viên nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hơn 20 năm của dàn nhạc dây danh tiếng này.

Sau khi tham gia dàn nhạc Virtuose Moscow khoảng một năm, Bùi Công Duy quyết định trở về nước làm việc. Nhiều người ngạc nhiên khi biết tin này.

“Tôi biết khi về nước là bắt đầu một thử thách mới. Tuy nhiên, đã làm nghệ thuật thì ở đâu cũng có thách thức, áp lực. Ở nước ngoài, người nghệ sĩ cũng chịu nhiều sự cạnh tranh lắm”- Bùi Công Duy bày tỏ.

Rồi anh cho biết, những năm gần đây hoạt động âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh những chương trình nhỏ mang tính gần gũi với người nghe, nước ta cũng bắt đầu tổ chức các buổi biểu diễn lớn mang tầm quốc tế để vừa phục vụ công chúng yêu nhạc cổ điển, vừa tạo cơ hội giao lưu cho các nghệ sĩ trong nước. “Đó chính là cơ hội để nhạc cổ điển phát triển. Vậy tại sao người nghệ sĩ lại sợ không có đất diễn?” - Anh nói.

Từ khi về nước, trong những chương trình biểu diễn âm nhạc lớn thường có sự góp mặt của Bùi Công Duy, như chương trình “Giai điệu mùa thu” được tổ chức hằng năm hiện nay.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới khi đến Việt Nam biểu diễn cũng luôn có Bùi Công Duy chơi cùng. Trong các buổi biểu diễn, tiếng đàn của Bùi Công Duy không chỉ thể hiện kỹ thuật cá nhân đơn thuần, mà còn biểu đạt được cái hồn của tác phẩm và có sức sống riêng.

Ngoài việc biểu diễn trong nước, Bùi Công Duy vẫn thường xuyên ra biểu diễn ở nước ngoài. Tại Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ…, Bùi Công Duy biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng như Novosibirsk Philharmonic Orchestr, Samatha Philharmonic Orchestr, Saint-Peterbourg Philharmonic Kapella Orchestr…

Đặc biệt, năm 2014, Bùi Công Duy là nghệ sĩ violon đầu tiên của Việt Nam được biểu diễn solo tại Berliner Philharmonic (Đức), một phòng hòa nhạc danh giá bậc nhất châu Âu.

Một mảng công việc khác của Bùi Công Duy là giảng dạy. Anh hiện là Chủ nhiệm khoa Dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bùi Công Duy kể, những ngày đầu về nước anh chưa quen lắm với việc giảng dạy.

Bởi ở nước ngoài các thầy luôn giữ nguyên tắc khắt khe, thì ở Việt Nam việc dạy trẻ lại phải mềm dẻo, linh hoạt. Bởi các em thường bị sức ép về học văn hóa ở trường nên phải tìm ra cách học phù hợp, tránh dồn ép để các em bị ức chế, quá tải.

Bên cạnh đó, có những học sinh bộc lộ tài năng sớm, nhưng cũng có em phải mất thời gian dài mới bộc lộ năng khiếu nên phải kiên trì. Với sự tận tâm của thầy Bùi Công Duy, một số học sinh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi âm nhạc quốc tế.

Điển hình là Nguyễn Linh Uyên đoạt giải nhì cuộc thi “Mozart International String Competition 2011” tại Thái Lan, hoặc Trịnh Đan Nhi đoạt giải nhì cuộc thi “The 4th ASEAN International Concerto 2011” tại Indonesia…

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho biết: “Nghệ sĩ Bùi Công Duy là tài năng âm nhạc hiếm có. Khi nghe anh chơi đàn, có thể thấy được phong cách, tính sáng tạo rất riêng của người nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, khả năng sư phạm của Bùi Công Duy cũng tốt nên không ít học trò của anh đã đoạt được các giải thưởng cao trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế…”.

Bùi Công Duy (phải) trong phim “Chiến hạm nổ tung”.

Người đa năng

Trước khi gặp, tôi cứ ngỡ Bùi Công Duy là người trầm tính, nhưng khi tiếp xúc mới hay anh rất hoạt bát, năng động. “Những năm tháng khó khăn khi học ở nước ngoài đã giúp tôi nhanh trưởng thành hơn.

Sau 3 năm về nước, tôi phát hiện mình có những khả năng khác ngoài đánh đàn”- Bùi Công Duy cho biết. Rồi anh bộc bạch: Thời nay, một người chỉ đi đánh đàn mà có cuộc sống sung túc là rất hiếm hoi.

Để sống được, phải có nhiều thứ trong một. Đối với bản thân, Bùi Công Duy tự nhận anh có “ba trong một”, bao gồm biểu diễn, giảng dạy và tổ chức biểu diễn.

Hiện nay, Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên nghiệp về quản lý nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn. Bùi Công Duy đã tham gia xây dựng chương trình, mời những nghệ sĩ nước ngoài sang biểu diễn với mong muốn tạo ra đời sống âm nhạc phong phú hơn.

Bùi Công Duy cho biết, những ngày đầu tham gia tổ chức biểu diễn anh thấy rất bỡ ngỡ. Nhưng dần dà, Bùi Công Duy lại thấy mình thu được nhiều kinh nghiệm mà trước đây trong vai trò một nghệ sĩ biểu diễn anh không hề biết tới.

Đó là kinh nghiệm về thời điểm tổ chức chương trình, xin tài trợ, tổ chức bán vé… Bên cạnh đó, việc mời được những dàn nhạc nổi tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn cũng rất khó khăn.

Đơn cử, để mời dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker nổi tiếng của Đức sang biểu diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào năm 2012, Bùi Công Duy và những người làm chương trình phải mất 2 năm chuẩn bị.

Gần đây, năm 2015, một số chương trình do Bùi Công Duy tổ chức như mời Nhà hát Tallarium et Lux (Nga) biểu diễn vở bale Hồ Thiên Nga, Festivail Âm nhạc Việt-Mỹ (nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ)… cũng tạo được hiệu ứng tốt đối với người xem.

Trong vai trò của người tổ chức biểu diễn, Bùi Công Duy hiện vẫn ấp ủ những dự định âm nhạc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần hướng tới hội nhập trong tương lai.

Thử sức làm diễn viên

Năm 2011, đoàn làm phim “Chiến hạm nổ tung” đã mời Bùi Công Duy đảm nhiệm vai vua Bảo Đại. Sau khi đọc kịch bản, anh thấy đây là vai diễn khó.

Bùi Công Duy lại chưa từng đóng phim, không biết hút thuốc lá, trong khi Bảo Đại là ông vua nghiện thuốc, thích người đẹp…

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, Bùi Công Duy lại có những lợi thế. Ngoài giống về ngoại hình, anh cũng như Bảo Đại đã sống ở nước ngoài lâu, đồng thời là người yêu nghệ thuật, cái đẹp.

Sau khi được đoàn làm phim thuyết phục, Bùi Công Duy đã đồng ý. Khi nhận vai Bảo Đại, anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhân vật, đọc thêm tư liệu về ông vua này.

Nhờ có bản lĩnh của người nghệ sĩ biểu diễn, Bùi Công Duy đã vào vai khá ngọt, khắc họa được hình tượng vua Bảo Đại.

Tuy vậy, ở cảnh quay Bảo Đại hút thuốc lào, Bùi Công Duy liên tục bị ho nên phải cố gắng nhiều lần mới hoàn thành cảnh quay. Đó là một kỷ niệm của anh trong lần đầu đóng phim.

Bùi Công Duy cho biết anh rất thích xem phim, đặc biệt là các bộ phim kinh điển thế giới và phim Việt Nam. Sau khi chạm ngõ làng điện ảnh, anh sẵn sàng tham gia đóng phim nếu có vai diễn phù hợp.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.