Nghệ nhân xứ Huế ‘giữ lửa’ nghề đúc đồng truyền thống

GD&TĐ - Hơn 50 năm gắn bó với nghề đúc đồng xứ Huế, đến nay nghệ nhân Nguyễn Văn Viện vẫn miệt mài với đam mê “giữ lửa” nghề truyền thống này.

Nghệ nhân xứ Huế "giữ lửa" nghề đúc đồng truyền thống. (Ảnh: Hoàng Hải).
Nghệ nhân xứ Huế "giữ lửa" nghề đúc đồng truyền thống. (Ảnh: Hoàng Hải).

"Giữ lửa" nghề đúc đồng

Vào những ngày Tết Giáp Thìn 2024, không khí đón Xuân tràn ngập khắp các khu phố, tuyến đường. Nằm sâu trong ngõ 26, kiệt 245 Bùi Thị Xuân, TP Huế, có một nghệ nhân vẫn miệt mài với công việc cùng hàng loạt dụng cụ như dao, dũa, búa,... để tạo ra các sản phẩm bằng đồng.

Đó là ông Nguyễn Văn Viện (SN 1946), với hơn 50 năm theo nghề. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn giữ niềm đam mê, chăm chút, tỉ mỉ cho từng sản phẩm.

Ông Viện chia sẻ, nghề đúc đồng đã có từ lâu đời tại Huế với đa dạng các sản phẩm còn lưu giữ cho đến nay như: vạc đồng tại Đại Nội, Cửu đỉnh, chuông ở chùa Thiên Mụ,... tất cả đều có sự đóng góp từ bàn tay tài hoa của các thợ đúc.

Tại cơ sở của ông Viện, có đa dạng các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ được trưng bày bắt mắt như tượng đồng, lư đồng, hạc đồng, bát hương, chuông đồng, đồ dùng trang trí,... tất cả đều tự tay ông Viện cẩn thận, chăm chút hoàn thiện.

Đa dạng các sản phẩm được trưng bày tại nhà của ông Viện.

Đa dạng các sản phẩm được trưng bày tại nhà của ông Viện.

“Tuổi đã lớn nên những công đoạn đầu có thể thợ làm, nhưng riêng khâu hoàn thiện thì tôi phải tự mình làm. Nếu hàng nào không qua tay tôi thì sẽ không giao cho khách hàng được”, ông Viện nói.

Theo tìm hiểu, làng đúc ra đời vào năm 1836, trước kia là làng Dương Xuân, gồm 5 thôn là: Kinh Nhơn, Trường Đồng, Giang Dinh, Giang Tiền và Bản Bộ. Trong đó, Kinh Nhơn và Bản Bộ là 2 thôn đúc đồng lớn và có danh tiếng nhất ở Huế. Những lớp thợ ngày nay kế thừa nghề vào khoảng đời thứ 10, 11.

Hiện nay, các hộ dân của làng đúc đồng thuộc địa bàn phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân, TP Huế.

Ông Viện cho biết thêm, quá trình đúc đồng cũng trải qua nhiều bước, trong đó có 3 công đoạn chính: làm khuôn nấu, rót đồng và làm nguội. Để làm khuôn, nguyên liệu là đất sét kết hợp với phụ gia; các thao tác đập, ngâm, trộn đất đòi hỏi phải tập trung và khéo léo thì mới cho ra được khuôn đẹp.

Hầu hết, các sản phẩm của ông Viện đều do ông tự thiết kế khuôn, từ mẫu lớn cho đến nhỏ.

Sau khi làm khuôn xong thì sẽ nung khuôn qua lửa thật đều. Tiếp đó sẽ nấu đồng trong khoảng 8 tiếng sao cho đồng trong, than để nấu là than củi lâu tàn. Khi rót đồng vào khuôn phải chảy đều từ trên xuống dưới, đây là khâu khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và bàn tay khéo léo.

Cuối cùng là công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Khi khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra để mài, dũa, đục, tách theo mẫu hoặc theo khả năng sáng tạo của người thợ.

Một chiếc lư xông trầm bằng đồng được thiết kế tỉ mỉ và tinh xảo.

Một chiếc lư xông trầm bằng đồng được thiết kế tỉ mỉ và tinh xảo.

“Mỗi sản phẩm làm ra đều phải có sự kiên trì, tỉ mỉ, nhất là các sản phẩm có chi tiết nhỏ như tượng Phật, trống, đồ thờ cúng, súng thần công,... phải có sự tinh tế và mất nhiều ngày mới có thể hoàn thiện được sản phẩm để giao cho khách”, ông Viện chia sẻ.

Giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống

Tiếp câu chuyện, ông Viện dẫn chúng tôi đi xem các sản phẩm mà ông đã từng làm. Trước mặt là hàng loạt đồ đồng, được trưng bày trong một góc ấm cúng của gian nhà nhỏ với đa dạng sản phẩm.

Ông Viện kể rằng, ông thuộc đời thứ 10 kế thừa nghề đúc đồng truyền thống này. Từ nhỏ ông đã theo gia đình phụ giúp công việc, vì vậy, từng chi tiết, công đoạn ông đều biết rất rõ; và chính từ đôi tay khéo léo cùng khả năng sáng tạo, ông đã làm ra nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật, góp phần giữ gìn bản sắc của làng nghề.

Ông Viện thuộc đời thứ 10 kế thừa nghề đúc đồng truyền thống.

Ông Viện thuộc đời thứ 10 kế thừa nghề đúc đồng truyền thống.

Về giá cả, thì tùy vào sản phẩm mà cũng có giá khác nhau, nếu loại nhỏ cũng khoảng 500 nghìn đồng, loại lớn thì hàng triệu, chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.

Sản phẩm có lẽ kỳ công nhất chính là tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay nặng khoảng 5 tấn, cao 5m do một sư thầy đặt hàng ông để đưa qua Mỹ. Ông Viện cho biết, để đúc tượng, ông đã phải tốn rất nhiều thời gian lên ý tưởng, thiết kế làm khuôn.

Ông cùng với người con trai và một số thợ bắt đầu công việc, ngày đêm cần mẫn chăm chỉ đúc tượng và phải mất khoảng 2 năm mới hoàn thiện.

Ông Viện giới thiệu về bức ảnh kỷ niệm của ông và người con trai khi hoàn thành tượng Phật.

Ông Viện giới thiệu về bức ảnh kỷ niệm của ông và người con trai khi hoàn thành tượng Phật.

Thời điểm đúc tượng là khoảng thời gian khó khăn khi cả nước cũng như Huế bị dịch Covid, đã có lúc cha con ông phải dừng công việc để bảo vệ an toàn sức khỏe cho gia đình. Được biết, kinh phí để đúc tượng Phật rơi vào khoảng 2 tỷ đồng.

“Cái nghề là vậy, mỗi thợ cũng khác nhau, cùng một sản phẩm nhưng tùy vào mỗi người mà chất lượng cũng khác, làm nghề này cũng cần có năng khiếu để theo đuổi.

Đồ của tôi cũng không có bán ở các cửa hàng, mà người ta đến đây để đặt, đến đặt nhưng đôi khi tôi làm cũng không kịp. Nếu ra các cửa hàng có đồ ông Viện ngoài đó, vào tôi, tôi tặng cho cái khác giống như vậy”, ông Viện cười nói.

Chiếc nón lá bằng đồng được ông Viện làm với các đường nét, chi tiết rất tinh xảo; trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng ở Huế như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ,...Chiếc nón lá bằng đồng được ông Viện làm với các đường nét, chi tiết rất tinh xảo; trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng ở Huế như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ,...
Chiếc nón lá bằng đồng được ông Viện làm với các đường nét, chi tiết rất tinh xảo; trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng ở Huế như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ,...

Gắn bó với nghề là vậy, nay tuổi đã cao, ông Viện cũng chỉ làm vài sản phẩm cho khuây khỏa, an vui tuổi già. Nếu có ai đến đặt thì ông cũng thư thả làm, lúc nào xong thì gọi khách đến lấy.

Ông cũng có những nỗi trăn trở làm sao để có thể giữ gìn và phát huy cái nghề truyền thống của gia đình cũng như của làng nghề đúc đồng.

“Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều hộ gia đình cũng bỏ nghề làm việc khác. Giờ tôi cũng chỉ có người con trai thứ 2 theo cái nghề này, mong rằng con cháu có thể tiếp nối thế hệ cha ông, tiếp tục gắn bó và phát triển làng nghề”, ông Viện tâm sự.

Chính từ sự tận tâm với nghề mà ông Nguyễn Văn Viện cũng như bao người thợ khác đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của làng nghề đúc đồng truyền thống, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan mỗi khi đến Huế.

Hàng loạt sản phẩm cùng các Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận được trưng bày tại một góc nhà (ảnh trái) và hình ảnh ông Viện nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng (ảnh phải). (Ảnh: Hoàng Hải)Hàng loạt sản phẩm cùng các Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận được trưng bày tại một góc nhà (ảnh trái) và hình ảnh ông Viện nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng (ảnh phải). (Ảnh: Hoàng Hải)

Hàng loạt sản phẩm cùng các Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận được trưng bày tại một góc nhà (ảnh trái) và hình ảnh ông Viện nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng (ảnh phải). (Ảnh: Hoàng Hải)

Năm 2013, làng đúc đồng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống.

Với những sản phẩm được làm ra từ bàn tay khéo léo của mình, ông Nguyễn Văn Viện đã được trao tặng hàng loạt Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận, huy chương cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp bộ.

Năm 2007, ông Nguyễn Văn Viện đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân của tỉnh.

Đặc biệt, năm 2020, ông Viện được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ Đỉnh Đồng Ngũ Sự Hoa Sòi 45