Gò tôn là nghề truyền thống lâu đời ở vùng phía Nam của Thủ đô Hà Nội được lưu truyền từ thời quân Nam Sơn khởi nghĩa đi qua tổng khu thời bấy giờ nay thuộc thôn Nam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ông Hán Văn Vi cho biết, ông là đời thứ 2 theo nghề gò tôn tại thôn Nam Sơn. Vào giai đoạn 1996-2006, nghề gò tôn ở thôn Nam Sơn rất thịnh và cho thu nhập cao nên nhiều người theo học, làm nghề gò tôn gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
"Lúc nhỏ, tôi được cha mẹ dạy bảo tận tình nghề gò và cứ thế tôi lớn lên cùng với nghề. Cái nghề vất vả, nguy hiểm với tay kìm, tay búa chỉ cần sơ suất một chút là có thể bị trầy da, đứt tay. Niềm đam mê nghề gò đã thôi thúc tôi sáng tạo, tạo ra nhiều mẫu mã mới và tìm mọi phương hướng để phát triển, giữ nghề cha ông để lại...", ông Vi nhớ lại.
Dù mới 50 tuổi đời nhưng ông Vi đã có đến 39 năm theo nghề gò tôn. “Để tạo ra được sản phẩm tốt đòi hỏi người thợ phải yêu nghề có tính cần cù, tỉ mỉ, khéo léo và phải có sự tinh tế. Đồng thời, phải có con mắt tinh tường, có óc thẩm mỹ mới có thể tạo ra một “tác phẩm mang tính nghệ thuật” từ gò tôn. Dù mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 5- 6 triệu đồng/tháng, nhưng gia đình tôi cũng như nhiều người thợ gò tôn nơi đây vẫn cần mẫn với nghề…”, ông Vi bày tỏ.
Để giữ và phát triển nghề, ông Vi cùng nhiều gia đình làm nghề gò tôn bắt đầu đa dạng sản phẩm. Không chỉ gò tôn, khi khách hàng yêu cầu họ còn có thể gò cả nhôm và inox. Những sản phẩm của ông Hán Văn Vi thường được làm rất tỉ mỉ và cẩn thận nên khách hàng hài lòng và quay trở lại khi cần.
Những sản phẩm của ông Hán Văn Vi thường được làm rất tỉ mỉ và cẩn thận nên khách hàng hài lòng và quay trở lại khi cần. |
Theo ông Vi, nghề gò tôn tuy không cho thu nhập cao, nhưng cũng cho ông cuộc sống khá và tạo ra nhiều công ăn việc làm đều đặn cho người dân lao động nơi đây. Và điều thôi thúc ông Vi cũng như những người thợ trong làng là muốn giữ lại nghề truyền thống đang dần mai một.
Những năm gần đây nghề gò tôn thoái trào, công việc ít, nhiều thợ gò tôn đã phải bỏ nghề, chỉ những người thực sự yêu nghề mới gắng giữ nghề…
“Trong thôn còn khoảng hơn chục gia đình còn bám trụ với nghề. Ngày ngày họ vẫn nện những chiếc dùi gỗ để định hình những tấm tôn lạnh ngắt thành những vật dụng hữu ích như tủ tôn, hộp đựng đồ và rất nhiều vật dụng khác phục vụ cuộc sống”, ông Đặng Văn Hình một người thợ gò tôn chia sẻ.
Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn được địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, tiến tới hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thường Tín được mệnh danh là đất trăm nghề, với những làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Phát triển làng nghề truyền thống không chỉ có vị thế rất quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội.
Những gia đình giữ nghề gò tôn truyền thống thôn Nam Sơn sẽ đóng góp một “sợi chỉ hồng” cho nghề gò tôn, góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.