Nghề cascadeur - cần một sự đánh giá công bằng

GD&TĐ - Vài năm gần đây, sự thăng hoa của mảng phim hành động đã đóng góp một phần không nhỏ cho bước thăng tiến của điện ảnh Việt nói chung. 

Johnny Trí Nguyễn là một trong số diễn viên đóng thế đã từng thành công tại thị trường nước ngoài.
Johnny Trí Nguyễn là một trong số diễn viên đóng thế đã từng thành công tại thị trường nước ngoài.

Tất nhiên, để làm được điều đó, sự cống hiến của các diễn viên đóng thế (cascadeur) vô cùng quan trọng, nếu không có họ thì hẳn là các bộ phim hành động không thể có những cảnh quay đẹp mắt và hoàn hảo. Nhưng để có được những thước phim ngoạn mục ấy, diễn viên đóng thế phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, đôi khi đổ máu và phải đổi cả... tính mạng.

Góc khuất đáng sợ

Johnny Trí Nguyễn là một trong số diễn viên đóng thế đã từng thành công tại thị trường nước ngoài, khi về Việt Nam, anh đã mở lò dạy võ gia truyền và tạo nên sức lan tỏa nhất định trong làng cascadeur Việt.

Lớp học đặc biệt dành cho điện ảnh, dành cho những người cần rèn luyện võ và các kỹ năng để tham gia vào các bộ phim hành động.

Người học được tham gia vào chương trình huấn luyện các diễn viên và cascadeur của những bộ phim như: Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng... Tiếc rằng đây chỉ là một trong số ít lò luyện cascadeur chuyên nghiệp, phần lớn cascadeur hiện nay không được đào tạo bài bài, họ tự tập luyện và “diễn” theo bản năng nên rủi ro xảy ra khi làm việc rất cao. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại cho các diễn viên đóng thế nói chung.

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài vấn đề thu nhập thấp, nghề diễn viên đóng thế cũng không được bất kỳ đơn vị nào chịu bán bảo hiểm cho họ.

Quyền lợi của diễn viên đóng thế hiện nay không xứng đáng với công sức, sự mạo hiểm phải đối mặt. Chưa kể những quyền lợi khác của anh em làm nghề như giải thưởng hàng năm, tôn vinh những cống hiến của họ cũng... không có.

Không được tôn vinh, cũng không được ưu đãi thỏa đáng nhưng diễn viên đóng thế vẫn bám nghề, phần lớn là vì niềm đam mê.

Hiện nay, giới trẻ Việt đang rất hăm hở với nghề đóng thế, vì trẻ nên họ muốn được cống hiến, muốn thỏa mãn niềm đam mê hơn cả danh vọng và tiền bạc.

Có nhiều bạn sinh viên sẵn sàng đầu tư cho sự nghiệp cascadeur của mình khá bài bản mà không cần biết sau này có thu đủ “vốn” hay không.

Đội ngũ diễn viên đóng thế tại Việt Nam ngày càng đông khi trào lưu làm phim hành động đang phát triển mạnh. Cũng là môn nghệ thuật đòi hỏi sự rèn luyện bền bỉ, ý chí, lòng dũng cảm và rất nhiều yếu tố khác, nhưng môi trường đào tạo và sự ưu đãi đối với diễn viên đóng thế tại VN đang làm khán giả ái ngại, làm sao có thể thản nhiên xem phim khi biết rằng để có được những pha hành động đẹp mắt trên màn ảnh, người diễn viên đóng thế phải liều cả mạng sống của mình.

Không được xuất hiện một cách chính diện trên màn ảnh nhưng lại phải đối mặt với các pha nguy hiểm thực sự: nhảy lầu, xe bay, người cháy, đánh võ, và nguy hiểm nhất có lẽ là... bay dây.

Tình huống dành cho các diễn viên đóng thế lúc này chẳng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc” bởi tính mạng của người bay phụ thuộc rất nhiều vào… sợi dây, dây đứt thì người cũng... “bay” luôn.

Không ít diễn viên đóng thế Việt đã gặp phải tai nạn với trò bay dây, dù đã tập đi tập lại nhiều lần, diễn thử đâu vào đấy nhưng đúng lúc diễn thật thì sự cố mới xảy ra bởi sợi dây cáp đu nhiều lần nên bị chùng, một tiếng “phựt” vang lên, cả người lẫn dây đột ngột “phải” rơi từ trên cao xuống sườn dốc, tất cả đều lăn theo tư thế tự do, với độ cao gần 20 mét thì tai nạn xảy ra không phải là chuyện đùa!

Có những cảnh quay mà khi vừa kết thúc, cả đoàn làm phim phải hoảng hồn vì không chỉ các diễn viên đóng thế gặp nạn mà cả quay phim cũng chung số phận.

Người trong giới nói gì?

Tại thị trường phim ảnh Việt, ít ai quan tâm đến những cống hiến của đội ngũ diễn viên đóng thế.

Tại thị trường phim ảnh Việt, ít ai quan tâm đến những cống hiến của đội ngũ diễn viên đóng thế. 

Nếu nói rằng người diễn viên đóng thế “đùa” với số phận của mình để được tôn vinh thành ngôi sao hay sẽ nhận được mức thù lao khủng thì có lẽ không phải.

Sự thật là chẳng ai biết đến những cống hiến của họ, nếu được xuất hiện trên phim thì đó chỉ là bóng dáng của họ mà thôi, vinh quang thuộc về diễn viên chính. Sức lao động bỏ ra không ít nhưng thù lao lại quá hời hợt.

Một diễn viên đóng thế chia sẻ, hơn 10 năm bám nghề, không nhớ mình bị thương tích bao nhiêu lần, nhiều lúc nằm viện, người nhà phải thức trắng đêm để chăm sóc.

Thu nhập một diễn viên đóng thế chuyên nghiệp hơn 5 triệu đồng/tháng. Một cảnh đóng chết cháy, lao vào lửa khoảng 2 triệu đồng/1 người, nhảy lầu với độ cao 4 mét là khoảng 300 ngàn, nhưng để thành công nhiều lúc phải diễn nhiều lần, khi nào đạo diễn hài lòng thì mới có tiền...

Thực sự, mức thù lao này không thể bù đắp cho những tổn hại về sức khỏe mà người diễn viên đóng thế gặp phải trong lúc làm việc.

Tất nhiên diễn viên đóng thế không thể so sánh với diễn viên chính, bởi mỗi vị trí đều có đặc thù riêng, nhưng với những gì mà người làm nghề đã và đang cống hiến, khán giả cần có sự đánh giá công bằng hơn với họ.1. Johnny Trí Nguyễn là một trong số diễn viên đóng thế đã từng thành công tại thị trường nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ