Đây là lần đầu tiên việc chi trả được thực hiện theo Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh Nghệ An và và Nghị định số 105 của Chính phủ.
Ngày 1/12/2020, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 4325/QĐ_UBND về việc trích ngân sách tỉnh, nguồn kinh phí phân bổ sau sự nghiệp giáo dục.
Theo đó, cấp bổ sung hơn 6,1 tỷ đồng đồng cho 10 huyện, thị để thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú. Đơn vị thụ hưởng là trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn. Thời gian từ học kỳ 2, năm học 2019 – 2020 và tháng 9, tháng 10 năm 2020 theo theo Nghị quyết số 25 của HĐND Nghệ An.
Nguồn kinh phí này sẽ hỗ trợ cho 10 huyện miền núi là Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và một số xã khó khăn thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Trong đó, Kỳ Sơn là huyện được hỗ trợ nhiều nhất với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Đây cũng là huyện 30a với nhiều xã biên giới, đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí để thuê người nấu ăn bán trú tại trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Cụ thể, hỗ trợ hợp đồng lao động nấu ăn bán trú theo định mức bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo. Số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm môt lần định mức, nhưng mỗi trường chỉ được hỗ trợ tối đa 5 lần định mức/1 tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/1 năm.
Hiện 100% trường mầm non tại Nghệ An tổ chức bán trú cho trẻ theo nhiều hình thức và học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, đây cũng là bậc học có nhiều điểm trường lẻ nhất, với hơn 600 điểm. Việc thông qua kinh phí hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn.
Qua khảo sát của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh có 123 trường mầm non công lập thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó có 320 điểm trường nấu ăn tại trường (chiếm tỷ lệ 65,9%). Số trẻ được tổ chức nấu ăn tại trường là 34.300/38.440, chiếm tỷ lệ 89,2%.
Tuy nhiên, công tác bán trú tại điểm trường lẻ thuộc xã đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế như: phòng học tạm, chưa có nhà bếp đảm bảo an toàn để nấu ăn tại trường cho trẻ.
Đến nay, Nghệ An còn 181 điểm trường lẻ chưa có nhà bếp ăn và phải áp dụng hình thức bán trú dân nuôi. Trong khi đó, định mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ theo Nghị định 06/2018 và Nghị định 105/2020 (160.000đ/trẻ/tháng) mới đáp ứng được 50% mức ăn trong ngày so với mức ăn tối thiểu bình quân để đảm bảo dinh dưỡng.
Do đó, chỉ mới có 60% số trường vận động cha mẹ đóng góp thêm khoảng 15.000đ/trẻ/ngày để tổ chức bán trú. Còn lại chỉ tố chức ăn buổi trưa cho trẻ, các bữa phụ do cha mẹ tự đảm bảo.
Phụ huynh hỗ trợ ngày công, cùng cô giáo cho trẻ ăn và trực trưa. Điều này khiến cho giáo viên vất vả do vừa tổ chức dạy trẻ, vừa lo quản lý, tổ chức bán trú. Trong khi phụ huynh vùng khó khăn không có điều kiện để nộp tiền thuê người nấu ăn bán trú cho trẻ.
Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng) không thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định của Chính phủ nên khó khăn cho cha mẹ trẻ trong tổ chức bán trú tại trường.