Chiều ngày 20/4, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt đầu tiên cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên các khoa phòng chuyên môn.
Bác sĩ Phạm Hồng Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện - cũng là người tham gia tiêm phòng Covid-19 cho hay :“Sau 30 phút, sức khỏe tôi ổn định, không có triệu chứng bất thường và có thể làm việc trở lại”.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Phương, do bệnh viện vẫn làm việc bình thường, nên thời gian tiêm phòng được bắt đầu từ 15h. Đây là thời điểm cường độ và khối lượng công việc tại các khoa phòng chuyên môn đã giảm. Trong chiều 20/4, có hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên khoa khám bệnh, cấp cứu, Trung tâm bệnh nhiệt đới... được tiêm phòng. Những người này có nguy cơ cao, trực tiếp thăm khám, tiếp nhận các bệnh nhân. Mỗi khoa phòng cũng luân phiên người tiêm phòng để không ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị bệnh cho người dân.
Số cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được chỉ định tiêm phòng là hơn 1.300 người. Tuy nhiên, trước khi tiêm, mọi người đều phải khám sàng lọc. Trường hợp phụ nữ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, người mẫn cảm với thành phần của vaccine sẽ không tiêm phòng.
Điểm tiêm chủng có sự giám sát, hỗ trợ của các y bác sĩ Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sau khi tiêm, tất cả đều được theo dõi 30 phút và cơ bản đảm bảo an toàn tiêm chủng, không có trường hợp nào xuất hiện những triệu chứng bất thường sau tiêm.
Cùng ngày, có 2 điểm khác triển khai tiêm phòng Covid-19 khác là Bệnh viện Đa khoa Tây Nam (đóng tại huyện Con Cuông, Nghệ An) và Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.
Trong đó, bệnh viên Đa khoa Tây Nam Nghệ An đã triển khai tiêm phòng cho 180 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế. Đây cũng là nơi đang điều trị cho 3 người dương tính virus SARS-CoV-2. Các cơ sở y tế khác sẽ triển khai tiêm phòng trong những ngày tiếp theo.
Theo tổng hợp Sở Y tế tỉnh Nghệ An, toàn ngành hiện có 41.042 nhân viên. Số liều vaccine được phân bổ từ Bộ Y tế cho tỉnh là 18.500.
Do số lượng hạn chế nên tỉnh Nghệ An sẽ tiêm đợt 1 cho 2 nhóm đối tượng ưu tiên. Thứ nhất là nhân viên y tế làm công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thứ 2, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; nhân viên tham gia điều tra dịch tễ tại các huyện; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 các tuyến; nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở đã và đang sử dụng tổ chức cách ly; những người thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19).
Điểm tiêm được bố trí theo quy tắc một chiều, từ bàn đón tiếp, khu vực chờ trước tiêm chủng; bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; bàn tiêm chủng; bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng; khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng; đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng, chống dịch COVID-19.
Ngành cũng bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, thành lập đội cấp cứu xử trí phản vệ để sẵn sàng xử trí ngay kịp thời các trường hợp cấp cứu, phản ứng sau tiêm (nếu có).
Các điểm tiêm chủng cần theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm tại cơ sở y tế và sau 24h tại gia đình. Đồng thời hướng dẫn người được tiêm tiếp tục tự theo dõi 7 ngày và liên lạc với cơ sở y tế gần nhất khi có sự cố bất lợi sau tiêm. Các đơn vị cũng cần phân công nhân sự giám sát về các sự cố bất lợi sau tiêm và báo cáo ngay khi có tai biến nặng xảy ra.