Những y bác sĩ được cử đi lần này đều được lựa chọn kỹ càng, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong điều trị, lấy mẫu, chống dịch…
Biết trước sẽ nhiều khó khăn, áp lực, vất vả, nhưng 60 tình nguyện viên vẫn sẵn sàng lên đường. Vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa mang tình cảm của người dân quê Bác vào thành phố mang tên Bác góp phần dập dịch, để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Sẵn sàng vào điểm nóng dịch bệnh
Là một trong 60 y bác sĩ của Nghệ An xuất quân tăng cường vào TPHCM, lần đầu tiên điều dưỡng Nguyễn Thị Hải (SN 1992) làm nhiệm vụ ở cách xa nhà hàng nghìn km. Trước khi vào làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Thảo tốt nghiệp CĐ điều dưỡng Trường ĐH Y Khoa Vinh. Lựa chọn nghề y vất vả, nhưng trong gia đình, Thảo vẫn chỉ là cô con gái nhỏ được bố mẹ quan tâm, lo lắng.
Trưa ngày 12/7, trước lễ xuất quân, bố mẹ, cùng chị và cháu đến cổ vũ, động viên tinh thần Thảo, không quên kèm theo thùng xốp đựng thực phẩm tiếp tế “vì sợ con vào trong đó bận rộn, không đi đâu để mua đồ ăn được”. Nhìn thấy bố cẩn thận đóng gói đồ, con gái cười mà khóe mắt đỏ hoe.
“Em chưa bao giờ vào TP Hồ Chí Minh và cũng ít khi xa nhà. Lần này đi thực hiện nhiệm vụ ở điểm nóng về dịch bệnh, em hồi hộp, lo lắng nhưng cũng háo hức. Tuổi trẻ, chưa vướng bận gì, em mong mình sẽ đóng góp phần nào vào cuộc chống dịch của ngành y tế, của cả nước”, Thảo nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, bố Thảo là sĩ quan quân đội về hưu. Ôm chặt con gái nhỏ trước khi lên đường, ông chia sẻ: “Con xung phong tăng cường chống dịch ở điểm nóng, đó là trách nhiệm, sứ mệnh của một người làm ngành y tế. Vì vậy, gia đình tôi rất đồng tình, ủng hộ con”.
Nhiệm vụ lần này không chỉ vất vả, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng người cha này vẫn vững lòng: “Tôi tin tưởng vào chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ và trình độ y học nước ta có thể chống lại dịch bệnh, nên chỉ dặn con thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch để an toàn trở về”.
Trước khi lên đường, chị Lê Thị Thủy (SN 1993, kỹ thuật viên xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Nghệ An) tranh thủ gọi video về cho bé Coca. Con trai mới 4 tuổi, vui vẻ vẫy tay tạm biệt mà ko biết mẹ đã nghẹn giọng. Lấy tay quệt nước mắt, chị cười ngại ngùng: “Chưa xa con đã thấy nhớ rồi”!
Nhưng nói về nhiệm vụ trước mắt, chị tự tin: “Tôi và các anh chị em trong bệnh viện đã mang tâm thế sẵn sàng. Khi vào tới nơi, tôi sẽ cố gắng với chuyên môn, năng lực, trách nhiệm của mình góp phần dập dịch. Công việc sẽ vất vả, nhưng tôi cũng thấy tự hào khi là người con quê Bác nằm trong đội chi viện của Nghệ An vào chống dịch ở TP mang tên Người”.
Thích ứng trong mọi điều kiện
Đây là lần thứ 3 Nghệ An cử cán bộ, y bác sĩ tăng cường chi viện cho tỉnh, thành khác chống dịch bệnh Covid-19. Hai lần trước là vào Đà Nẵng và Hà Tĩnh – những địa phương trong khu vực miền Trung. Còn lần này, chuyến đi của đội quân tăng cường ngành y Nghệ An gồm 60 người, hướng đến thành phố mang tên Bác, cách xa hàng nghìn km. Trong số này gồm có bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm...
Nguyễn Văn Khánh (SN 1991) hiện đang công tác tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Cách đây gần 1 năm, Khánh là nằm trong 16 cán bộ nhân viên ngành y tế đầu tiên của Nghệ An xuất quân chi viện cho vùng dịch, điểm đến là TP Đà Nẵng.
“Chuyến đi trước của tôi dài 40 ngày, trong đó, 26 ngày làm nhiệm vụ trong bệnh viện của Đà Nẵng. Dù có chút lo lắng, nhưng khi vào tới nơi, tôi nhanh chóng bắt nhịp vào công việc. Ráp nối với các y bác sỹ sở tại để phụ trách khâu xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho kết quả chính xác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về tự cách ly thêm 14 ngày mới trở lại cơ quan làm việc”, Khánh cho biết.
Lần này, Nguyễn Văn Khánh tham gia với vị trí của người đã có “kinh nghiệm”, nên không nhiều lo lắng.
“Xác định tăng cường cho vùng dịch bệnh, công việc là căng thẳng, vất vả. Số lượng bệnh nhân, mẫu bệnh phẩm mỗi ngày sẽ rất nhiều. Điều kiện làm việc ở bệnh viện dã chiến chắc chắn sẽ không thuận lợi, đầy đủ như bệnh viện lớn.
Tuy nhiên, ở bất cứ hoàn cảnh nào, mình cũng cần có sự tìm hiểu, lắng nghe chỉ đạo hướng dẫn của lãnh đạo y tế sở tại và thích ứng với mọi điều kiện làm việc. Hoàn thành nhiệm vụ của mình, sẽ góp một phần nhỏ trong công tác dập dịch, để cuộc sống sớm được trở lại bình thường”, Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Phát biểu tại lễ xuất quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Long khẳng định, việc tăng viện của 60 cán bộ y bác sĩ không những là nhiệm vụ mà còn là tình cảm của người dân quê Bác đối với TPHCM. Đồng thời ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm của những tình nguyện viên khi vào điểm nóng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 60 tình nguyện viên chấp hành sự phân công, điều hành công việc của lãnh đạo đơn vị tại TPHCM. Sớm hòa nhập, bắt nhịp với môi trường làm việc mới. Khi thực hiện nhiệm vụ các y bác sỹ sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực lớn. Nhưng lãnh đạo tỉnh tin tưởng, với những kinh nghiệm đã trải qua, lực lượng tăng viện của ngành y tế Nghệ An sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, an toàn và sớm trở về.