Nghệ An sẽ xử lý quyết liệt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu xử lý quyết liệt, không dung túng, bao che tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Chiều 8/12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tổ chức kỳ họp thứ 4. Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT đã trả lời chất vấn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá, hoạt động khai thác khoáng sản tại Nghệ An còn nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây bức xúc trong nhân dân, thất thu cho ngân sách Nhà nước, ô nhiễm môi trường…

Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 1.000 lượt kiểm tra; phát hiện xử lý gần 760 vụ, trong đó khởi tố 9 vụ án với 11 bị can. Xử phạt hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

“Mặc dù đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, khởi tố nhiều vụ án, bị can, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý ở một số loại khoáng sản khai thác như đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng”, ông Việt thông tin.

Theo Giám đốc Sở TN&MT, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép có xu hướng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Điều này gây bức xúc trong đời sống nhân dân, thất thu ngân sách cho Nhà nước, gây ô nhiễm môi trường, hạ tầng bị xuống cấp.

Một số mỏ thiếc, đá trắng ở huyện Quỳ Hợp mặc dù đã đóng cửa mỏ, bàn giao chính quyền nhưng vẫn có người lén lút khai thác.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An phát biểu tại kỳ họp
Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An phát biểu tại kỳ họp

Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Trong đó, bổ sung thêm vấn đề trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, để đưa hệ thống chính trị vào cuộc, đưa công tác quản lý khoáng sản tốt hơn, đặc biệt bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Mặt khác, Sở TN&MT đang đẩy nhanh cấp thủ tục cấp phép các mỏ đất, cát để phục vụ các dự án nhằm hạn chế khai thác trái phép.

Về lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, đây là nguồn thu nhập, nghề nghiệp chính và truyền thống của một bộ phận nhân dân ở vùng sông nước (định cư, sinh sống nhiều thế hệ trên tàu thuyền). Do đó, để xử lý dứt điểm việc này, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho bà con là việc làm không đơn giản.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã triển khai 2.000 cán bộ công an chính quy về 428 xã. Lực lượng công an xã cũng đã kiểm tra, bắt giữ, xử lý 238 vụ với 254 đối tượng.

Công an tỉnh đã giao trách nhiệm cho các trưởng công an xã, thị trấn có hoạt động khai thác trái phép tham mưu cho cấp ủy chính quyền giải quyết vụ việc.

Nếu xảy ra các vụ việc vi phạm mà các cơ quan chức năng khác kiểm tra phát hiện, bắt giữ thì xử lý trách nhiệm với trưởng công an xã.

Kết luận nội dung buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị xử lý quyết liệt, không dung túng, bao che trong việc khai thác khoáng sản trái phép; dẫn đến làm hỏng hạ tầng, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.