Nam sinh giành 3 giải học sinh giỏi Nghệ An

GD&TĐ - Nguyễn Văn Cường, lớp 12C, Trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương là thí sinh duy nhất đã giành 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và xác lập kỷ lục đáng nể tại kỳ thi HS giỏi lớp 12 tỉnh Nghệ An năm học 2020-2021.

Nguyễn Văn Cường (lớp 12C, Trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Nguyễn Văn Cường (lớp 12C, Trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Người phá kỷ lục đến từ trường làng

Nhận kết quả kỳ thi học sinh giỏi, Nguyễn Văn Cường đã mất ngủ cả đêm để trả lời tin nhắn chúc mừng của mọi người. “Đến giờ cảm xúc cũng đã nguội bớt, nhưng lúc nghe cô giáo dạy Văn gọi báo tin, em vui mừng, bất ngờ lắm. Em còn tưởng mình đang mơ ngủ, cho đến khi điện thoại dồn dập lời chúc mừng mới tin là thật. Có lẽ đây là kỷ niệm đặc biệt nhất trong 12 năm học của em”, Cường chia sẻ.

Kỳ thi học sinh giỏi năm 2021, Cường là thí sinh đầu tiên của Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Nghệ An) cùng lúc được chọn vào đội tuyển dự thi 3 môn xã hội. Trong đó, em đạt giải Nhất môn Ngữ văn và Địa lý với 17 điểm, và giải Nhì môn Lịch sử với 15,88 điểm. Cường chia sẻ cả 3 môn có nhiều yếu tố bất ngờ, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc chắn toàn bộ kiến thức và có sự phân tích, nhận định chính xác yêu cầu của đề.

Với môn Lịch sử, câu hỏi lịch sử nước ngoài ra về phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ nằm ngoài dự tính của Cường. Bởi đây là một phần nhỏ trong 1 bài học, và quá trình ôn tập em không tập trung nhiều như các bài khác.

Cường nhớ lại: “Lúc đó, em đã vận dụng hết mọi kiến thức và trí nhớ của mình để hoàn thành bài thi. Cũng may là đề thi Lịch sử năm nay, đề ra không quá chú trọng hoặc yêu cầu nhiều về ghi nhớ số liệu, sự kiện. Thay vào đó là phân tích, so sánh, nêu bản chất lịch sử của sự kiện. Vì vậy, giải Nhì môn Lịch sử là kết quả khiến em rất vui mừng rồi”.

Trong khi đó môn Ngữ văn, nam sinh cho hay mình và các bạn khác trong đội tuyển cũng “ngã ngửa” khi nhận đề ra là những khổ thơ đầu của tác phẩm Tây Tiến (Quang Dũng). Lý do đề thi năm trước đã ra về Tây Tiến, nên tâm lý chung của thí sinh là “không nghĩ sẽ tiếp tục ra cho năm nay”. Đây cũng là đề gợi và hơi ngược một chút so với thông thường. Qua đoạn thơ, thí sinh chứng minh một vấn đề của lý luận văn học về sáng tạo ngôn ngữ.

Nhưng nam sinh cho hay mình ấn tượng nhất trong đề là câu nghị luận văn học, với vấn đề đưa ra là chọn làm người khác biệt hay là người giống với số đông. “Em nghĩ mỗi bạn sẽ đưa ra lựa chọn của riêng mình, mà không có đúng hay sai. Riêng em sẽ chọn làm người khác biệt.

Có thể con đường trải qua sẽ khó khăn, vất vả hơn, nhưng em muốn chứng minh bản thân mình, dám đi lối đi riêng, khám phá cái mới. Có đam mê thì hãy mạnh dạn theo đuổi. Ví dụ như Christopher Columbus nếu cứ đi trên những con tàu với con đường biển sẵn có, thì làm sao phát hiện ra châu Mỹ”, Cường cho biết.

Riêng Địa lý là môn Cường luôn giữ vững phong độ và kết quả mỗi vòng sơ tuyển trước đó. Nhưng đạt thủ khoa toàn tỉnh “quả thật là cú sốc đối với em”. Bởi em nghĩ trong tỉnh còn rất nhiều bạn khác xuất sắc.

Kết quả kỳ thi cũng là lời cảm ơn Cường muốn dành đến bố mẹ, các thầy cô, nhà trường, Trong đó cô chủ nhiệm chính là giáo viên dạy và bồi dưỡng môn Địa lý của em.

Được truyền cảm hứng để tạo sự khác biệt

Góc học tập của thủ khoa học sinh giỏi tỉnh Nghệ An.
Góc học tập của thủ khoa học sinh giỏi tỉnh Nghệ An.
Đây cũng là lần đầu tiên trong trường có 1 học sinh dự thi cả 3 môn xã hội. Khối lượng kiến thức lớn và việc ôn tập cần nhiều thời gian, trong khi sức khỏe em không đảm bảo, nhiều buổi phải nghỉ học. Vì sợ không đạt kết quả như thầy cô kỳ vọng, em cũng đã 5 lần rút tên khỏi đội tuyển để tập trung dự thi 1 - 2 môn. Nhưng thầy cô, gia đình, bạn bè động viên giúp em lấy lại tinh thần, tập trung ôn thi. Nguyễn Văn Cường.

Nguyễn Văn Cường bắt đầu có xu hướng theo các môn xã hội từ năm lớp 8. Đến năm lớp 9, em có tham gia học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn và đoạt giải Ba. Với nền tảng đó, lên THPT, em được thầy cô phát hiện, bồi dưỡng.

Cường cho biết, trong quá trình chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh, em và các bạn trải qua vòng thi trường và thi cụm các trường THPT trên địa bàn huyện Thanh Chương.

Kết quả, ở 2 vòng thi này, em đều đạt điểm cao nhất ở cả 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Trước thành tích xuất sắc đó, giáo viên bồi dưỡng của cả 3 môn đều chọn Cường vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh.

Nam sinh tâm sự trong thời gian tìm kiếm, tham gia các lớp ôn tập trên mạng xã hội do nhóm người công giáo giảng dạy, em đã gặp được một người bạn lớn. Dù ở cách nửa vòng trái đất nhưng luôn chia sẻ, cho em những lời khuyên ý nghĩa.

Trong thời điểm em đang mất phương hướng, người bạn này đã gửi cho em hình ảnh cốc cà phê. Đồng thời nhắn nhủ, thành tích cũng như bọt cà phê, rồi sẽ tan đi nhanh chóng.

Quan trọng là quá trình trải nghiệm, tích lũy hiểu biết và tạo giá trị cho chính mình. Những lời nói đó cũng đã giúp cậu học trò nơi làng quê ven sông Lam ổn định tư tưởng, quyết tâm học ôn thi cả 3 môn.

Cậu học trò ghi ra giấy thời gian biểu ôn tập của 3 môn và các phần kiến thức phải nắm vững theo từng tuần cho đến khi kỳ thi diễn ra. Em cho biết mình cũng không học quá nhiều trong một ngày, để đầu óc và cơ thể được thư giãn. Ngoài thời gian được thầy cô trực tiếp bồi dưỡng, thì Cường đọc thêm tài liệu, sách, báo, và một số lớp học online miễn phí.

Theo Cường, dự thi học sinh giỏi, về kiến thức chắc chắn bạn nào cũng nắm vững. Nhưng em nghĩ để có 1 bài thi đạt giải cao, không chỉ yêu cầu ghi nhớ mà cần phải có tư duy khoa học, logic trong bài làm.

Riêng môn Văn, em cố gắng có sự khác biệt, tạo dấu ấn hoặc sáng tạo trong cách diễn đạt, dẫn dắt vấn đề, dùng từ... Nam sinh kể lại: “Chính cô giáo dạy văn của em cũng đã nói hàng nghìn bông tuyết rơi nhưng không có 2 bông tuyết nào khác nhau.

Vậy thì làm người cũng đừng trở thành bản sao của người khác. Câu nói đó đã truyền cảm hứng và định hướng học tập rất lớn cho em. Có lẽ ban giám khảo cũng nhìn thấy cách viết riêng trong bài thi của em và chấm đạt giải”.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân - giáo viên bồi dưỡng môn Ngữ văn, Trường THPT Đặng Thúc Hứa tự hào về cậu học trò xuất sắc: “Trong nhiều năm giảng dạy và bồi dưỡng, Nguyễn Văn Cường là cậu học trò ấn tượng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân em sức khỏe không tốt.

Có thời gian em thường xuyên phải nghỉ học để đi khám và điều trị. Nhưng em có tố chất thông minh, cầu tiến, tạo dấu ấn riêng trong mỗi bài viết. Khi biết kết quả, là một giáo viên bồi dưỡng tôi rất vui mừng, tự hào nhưng 2 giải Nhất và 1 giải Nhì hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của em”.

Học sinh công giáo tiêu biểu

Nam sinh thích đọc sách và muốn tạo cho mình lối đi riêng.
Nam sinh thích đọc sách và muốn tạo cho mình lối đi riêng.

Nguyễn Văn Cường là con thứ 2 trong gia đình công giáo có 3 anh em ở thôn Long Nhã, xã Thanh Khê (Thanh Chương). Bố mẹ làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Anh trai của Cường học xong lớp 9 đã xuống TP Vinh đi làm để bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ.

Trong nhà, Cường sinh ra sức khỏe yếu, hay ốm nên bố mẹ được “ưu tiên” cho việc học, ít phải ra đồng. Bởi vậy, từ nhỏ em đã ham học, muốn học với suy nghĩ đó là con đường tốt nhất cho tương lai, vì “khó làm được việc chân tay nặng nhọc”.

Không chỉ có thành tích tốt ở trường, Cường còn là một học sinh công giáo tiêu biểu của giáo xứ Mô Vĩnh (xã Thanh Khê). Trong các kỳ thi giáo lý, em cũng giành giải cao và nhận giấy khen của giáo họ, giáo xứ và giáo hạt...

Nguyễn Văn Cường đạt kết quả xuất sắc ở kỳ thi học sinh giỏi, tạo nên kỳ tích cho ngôi trường làng, nhưng mẹ của em cũng chỉ biết con đi thi đạt giải, và hỏi “kỳ thi đó có lớn không”.

Điều chị Bùi Thị Đông (mẹ Cường) lo lắng nhiều hơn là sức khỏe của con và kinh tế gia đình nếu sau này nuôi con vào đại học. Hiện Cường vẫn chưa xác định thi vào trường đại học nào, vì em còn hơn 6 tháng nữa để suy nghĩ, lựa chọn.

Trong thời gian này, em cho biết sẽ tiếp tục học ôn khối C và tăng cường thời gian cho môn tiếng Anh. Đây là môn mà em còn yếu sau thời gian dài dành sự đầu tư cho 3 môn thi HSG tỉnh.

Thầy Trần Đình Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa thông tin, Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua, Trường THPT Đặng Thúc Hứa đạt 2 giải Nhất, 9 giải Nhì, 10 giải Ba, 3 giải Khuyến khích, xếp thứ nhất khối THPT ở huyện Thanh Chương.

Đây là niềm vui rất lớn đối với nhà trường trong năm học gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Nhiều em trong đội tuyển học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, hoặc bố mẹ làm ăn xa.

Riêng em Cường là một học sinh Công giáo tiêu biểu, ham học dù gia đình còn nhiều vất vả. Những năm qua, phong trào học tập ở vùng Mô Vĩnh chưa nổi trội. Với thành tích này của em Cường, sẽ động lực cho các bạn trong giáo xứ phấn đấu, cố gắng hơn nữa.

Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa cũng cho rằng, kết quả thi chỉ là một phần trong quá trình học tập. Nhưng nó đã chứng minh cho nỗ lực vượt khó, vượt lên hoàn cảnh để tìm kiếm hướng đi cho tương lai của các em ở vùng quê thuần nông này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.