Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến 13h ngày 11/10 toàn tỉnh Nghệ An đã có tới 7 người tử vong và mất tích do mưa lũ.
Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ tại Nghệ An đã làm 4 nhà dân bị sạt lở, 735 nhà dân bị ngập nước; hơn 152 ha lúa và trên 4.951 ha ngô và rau màu các loại bị ngập, gần 8.000 gia cầm bị chết, 1.922,14 ha ao hồ bị ngập và 525 ha cá vụ 3 bị mất trắng.
Các tuyến giao thông dọc các con sông bị sạt lở. Bờ sông Lam sát nhà dân, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở và có vết nứt dọc mép hành lang đường Quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25m; Đoạn Quốc lộ 46B qua rú Nguộc thuộc địa bà xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, đoạn QL48C, đoạn qua địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp ra tình trạng sạt lở đất, khiến cây cối, đất đá từ trên núi đổ xuống chắn ngang đường.
Đơn vị quản lý giao thông, phối hợp chính quyền địa phương đã điều động máy móc, lực lượng đến giải phóng hiện trường, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.
Cán bộ xã và nhân dân xã Nghi Văn, Nghi Lộc căng mình giữ đập Kê khi mực nước trong đập đã đầy tràn |
QL 48B đoạn qua địa bàn xã Quang Phong, Cắm Muộn và đường liên xã tại Cắm Muộn, huyện Quế Phong nước đã tràn qua, gây ách tắc giao thông.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải, hiện các tuyến quốc lộ 15A, 48B, 48D, 48E bị ngập sâu khoảng 1m còn các quốc lộ 15, 16, 48 bị sạt lở, đất đá vùi lấp đường, hàng chục khe tràn bị ngập, cuốn trôi. Giao thông tê liệt.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã di dời 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt; trong đó, nhiều nhất là ở huyện Quỳnh Lưu với 35 hộ dân với 132 người đã được di dời; huyện Anh Sơn có 20 hộ dân với 82 người đã được di dời; huyện Nghĩa Đàn có 96 hộ dân với 374 người được di dời.
Hồ Vực Mấu – hồ nước thủy lợi lớn nhất Nghệ An xả lũ |
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương, đơn vị dốc sức đối phó với mưa lũ.; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người tử vong, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, các gia đình chính sách, neo đơn; Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích; huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường; khử trùng, không thể dịch bệnh bùng phát; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, 625 hồ đập lớn nhỏ đã đầy nước. Đặc biệt, hai hồ thủy lớn nhất là hồ Vực Mấu và hồ Sông Sào đã xả lũ. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, giám đốc các công ty thủy lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, hoàn lưu sau áp thấp để chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi và liên hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn cho hạ du và an toàn công trình.
Đồng thời tăng cường tuần tra canh gác, phát hiện xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ; tiếp tục triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, các ngầm tràn để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới...; nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ lụt.