Nghệ An: Lao động ngành giáo dục không có việc không được trợ cấp thất nghiệp

GD&TĐ - Hết tháng 9/2020, hơn 14.000 lao động Nghệ An được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp với số tiền 194 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là lao động thất nghiệp ở địa phương khác về quê giải quyết thủ tục, quyền lợi bảo hiểm.

Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm
Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm

Trong số hơn 14.000 lao động được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp nêu trên, không có đối tượng thuộc ngành giáo dục không có việc làm, tạm hoãn hợp đồng do dịch Covid.

Hàng nghìn GV không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo đó, Nghệ An có gần 5.000 giáo viên trường ngoài công lập, nhân viên hợp đồng trường mầm non, tiểu học công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Họ không có việc làm, thu nhập trong thời gian từ tháng 2 - 4 do học sinh nghỉ học phòng dịch.

Đơn vị, trường học sử dụng lao động đã tạm hoãn hợp đồng, để số cán bộ, giáo viên, nhân viên trên lao động không bị mất việc, tiếp tục công tác sau khi học sinh đi học trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc họ không phải là đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hàng nghìn giáo viên ngoài công lập tại Nghệ An không được hưởng hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid và trợ cấp thất nghiệp
Hàng nghìn giáo viên ngoài công lập tại Nghệ An không được hưởng hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid và trợ cấp thất nghiệp

Theo thống kê, Nghệ An có 6.000 lao động tự do bị mất việc, lao động bị chấm dứt hợp đồng do ảnh hưởng dịch Covid, nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đã được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Tuy nhiên, gần 5.000 lao động thuộc ngành giáo dục trên cũng không thuộc đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ này. 

Để hỗ trợ cho giáo viên ngoài công lập, giáo viên, nhân viên hợp đồng tạm nghỉ việc do dịch Covid, ngành giáo dục Nghệ An kêu gọi hỗ trợ trong toàn ngành. Kết quả, đã kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng giúp đỡ các đồng nghiệp khó khăn.

Tạo điều kiện hỗ trợ cho lao động mất việc

Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, chị Lang Thị Thanh (SN 1990, huyện Quỳ Hợp) bồng theo con nhỏ đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đầu năm 2020, do mới sinh con, chị Thanh xin nghỉ việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh, quay về quê ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Chị góp vốn cùng bạn mua 30 con lợn giống về chăn nuôi. Nhưng mới nuôi hơn 1 tháng, không may đàn lợn mắc dịch bệnh, phải tiêu hủy toàn bộ. Vốn liếng của chị Thanh cũng theo đó mà mất sạch. 

Chị Lang Thị Thanh bế theo con nhỏ vượt 100km từ huyện Quỳ Hợp xuống TP Vinh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Chị Lang Thị Thanh bế theo con nhỏ vượt 100km từ huyện Quỳ Hợp xuống TP Vinh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Chị Thanh cho biết, sau khi nộp các giấy tờ theo quy định, chị được giải quyết hơn 3,5 triệu đồng/tháng trợ cấp thất nghiệp, thời gian hưởng là 6 tháng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với người phụ nữ dân tộc Thái, phần nào giúp gia đình chị trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn và tìm kiếm việc làm mới.

Chị Nguyễn Thị Hương Sen (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũng nghỉ việc vì công ty trong miền Nam cắt giảm nhân công. Chị về Nghệ An làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm, chị Sen cũng tìm được công việc mới với mức thu nhập tương đương trước đây. Chị có thể đi làm từ tháng 11 tới, cũng lúc hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp và giới thiệu việc làm
Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp và giới thiệu việc làm

Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, chỉ tính trong tháng 9/2020, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.600 lao động với 24,3 tỉ đồng. Trong đó, có gần 1.000 người là lao động thất nghiệp ở địa phương và về tại Trung tâm nộp hồ sơ giải quyết chế độ, quyền lợi.

Tính đến hết tháng 9/2020, Trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 63.000 lượt lao động và chi trả 502 triệu đồng hỗ trợ lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp học nghề.

Lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là 12 tháng, thấp nhất là 3 tháng. Có 2 lao động có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa. Số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động là 4,77 tháng/người.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân đạt gần 3,3 triệu đồng. Qua phân tích, số lao động được giải quyết BHTN nằm trong độ tuổi từ 25-40 tuổi chiếm ưu thế.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: “Năm 2020 cũng là năm vất vả đối với người lao động, do ảnh hưởng của dịch Covid, việc làm khó khăn, nhiều công nhân mất việc và đang trong thời gian tìm công việc mới. Trung tâm cố gắng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đúng quy trình, chính xác, nhanh chóng nhất có thể”.

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn thông tin, lũy kế đến hết quý 3 năm 2020, có 14.806 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm. Có 14.165 lao động đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền hơn 194 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng có 588 trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng trong tháng 9/2020 là 46 trường hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.