Nghệ An: Giáo viên hy vọng có nhiều bài thi đạt điểm tối đa môn Lịch sử

GD&TĐ - Giáo viên Nghệ An nhận định đề thi Lịch sử Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 bám sát chương trình SGK, và hi vọng có nhiều em đạt điểm tối đa.

Thí sinh Nghệ An thoải mái sau khi hoàn thành bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội.
Thí sinh Nghệ An thoải mái sau khi hoàn thành bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội.

Nhận định về đề thi môn Lịch sử, cô Trần Thị Lan Anh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, đề thi môn Lịch sử phù hợp với bối cảnh dịch Covid – 19 và học sinh mất hơn 2 năm phải học online. Đề bám sát đề minh họa và học sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ để đạt điểm, nhất là mức 5 – 7 điểm.

Cũng theo cô Lan Anh, có nhiều câu hỏi trong đề chỉ cần nhìn đáp án là đã có thể dễ dàng chọn ra phương án đúng, ví dụ với câu hỏi về đồng tiền chung Euro, câu hỏi về kế hoạch Nava, câu hỏi về con rồng kinh tế Châu Á.

Cô Trần Lan Anh (thứ 2 từ trái sang) hi vọng sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao môn Lịch sử.

Cô Trần Lan Anh (thứ 2 từ trái sang) hi vọng sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao môn Lịch sử.

Ở mức độ phân hóa, cô Lan Anh cho rằng, 8 câu hỏi cuối đều là những câu khó và dành cho học sinh khá giỏi. Với những câu hỏi này học sinh phải hiểu biết sâu rộng bản chất lịch sử, có so sánh bối cảnh lịch sử giữa các thời kỳ, giai đoạn và thực hành nhiều lần với dạng câu hỏi nâng cao này. Ví dụ câu hỏi so sánh chiến dịch Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ trên không, hay tìm tính chất dân chủ của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tuy nhiên, để đạt điểm 10 bài thi môn Lịch sử, thí sinh cũng phải rất cẩn trọng trong khi làm bài. Thực tế nhiều bài thi đánh mất điểm ở những câu hỏi dễ, thuộc phần nhận biết, thông hiểu. Lý do các em đọc lướt đề, lướt các đáp án nên dễ nhầm lẫn.

Nhận định chung về đề thi, cô Lan Anh cho rằng đề Lịch sử năm nay vừa tầm, không có những câu hỏi đánh đố học sinh. Bên cạnh đó cũng có những câu tìm học sinh giỏi, vừa kiểm tra kiến thức cơ bản vừa để thí sinh bộc lộ tư duy, hiểu biết bản chất lịch sử. Điểm trung bình có thể sẽ cao hơn năm ngoái đồng thời sẽ có thí sinh đạt điểm tối đa. Với mức độ như trên, đề thi cơ bản vừa đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa phân hóa học sinh đạt điểm cao xét tuyển đại học.

Cùng nhận định, thầy Nguyễn Bá Tú, giáo viên bộ môn Lịch sử, THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành) cũng đánh giá đề thi Lịch sử năm nay có nội dung tập trung trọng tâm vào kiến thức lớp 12 và tương đối là phù hợp với tính chất của kì thi 2 trong 1. Trong đó, đề thi phù hợp để phân hóa học sinh bao gồm 60% – 75% số điểm dành cho học sinh trung bình để xét tốt nghiệp và các câu còn lại nhằm mục đích phân loại học sinh khá giỏi dành cho xét tuyển đại học.

Thí sinh dự thi tổ hợp môn Khoa học Xã Hội tại điểm thi Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An).

Thí sinh dự thi tổ hợp môn Khoa học Xã Hội tại điểm thi Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An).

Cụ thể, thầy Tú cho hay, đề có cấu trúc quen thuộc, tương đương với đề năm trước và đề thi minh họa của Bộ. Các mức độ và cách thức ra đề, đặt câu hỏi đã được giáo viên rèn luyện cho học sinh kỹ càng trong quá trình ôn thi Tốt nghiệp THPT. Phạm vi kiến thức trong đề trải đều chương trình Lịch sử lớp 12 và có một phần của lớp 11.

Có 3 câu nằm trong chương trình của lớp 11 bao gồm cả thế giới và Việt Nam, nhưng ở mức độ nhận biết, không mang tính chất vận dụng nên học sinh chỉ cần có tư duy và biết cơ bản sẽ làm được.

Lịch sử thế giới chiếm 10 câu trong đề và còn lại 17 câu thuộc lịch sử Việt Nam, các giai đoạn được phân bố đều về số lượng câu hỏi. Tập trung nhiều vào chương trình học kì 2 giai đoạn từ 1930 – 1975.

Thầy Tú cũng cho rằng, từ câu 1 đến câu thứ 31 trong đề là mức độ nhận biết, thông hiểu cho học sinh thi để xét tốt nghiệp. Số câu hỏi vận dụng thấp về ý nghĩa, kết quả các sự kiện có khoảng 6 – 8 câu. Còn mức độ vận dụng cao mang định hướng đối sánh các sự kiện nhằm đánh giá khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh có khoảng 4 câu. Thí sinh nếu làm đến những câu hỏi vận dụng cao này và trả lời đúng, thì chứng tỏ các em nắm vững vàng kiến thức cơ bản, hiểu bản chất lịch sử của các sự kiện để phân tích, đánh giá, so sánh. Từ đó mới đưa ra được câu trả lời chính xác nhất. Với đề thi Lịch sử năm nay, thầy Nguyễn Bá Tú dự đoán phổ điểm chủ yếu từ 5-8 điểm và khả năng sẽ có nhiều bài thi đạt điểm 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...